Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao
nhất thế giới, đồng thời cũng là quốc gia trong nhóm bị tấn công mạng nhiều
nhất. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã có hơn 80 triệu người sử dụng internet,
chiếm hơn 79,1% dân số, đứng thứ 15 trên thế giới về số lượng người sử dụng
internet... Khi chưa có Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch đã triệt để lợi
dụng không gian mạng để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng gây hoang
mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, thậm
chí phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng lợi dụng
Internet tuyên truyền, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây
mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để
chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta… đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn
xã hội.
Vậy, trước những vấn đề trên chỉ có phải chỉ Vệt Nam mới sử dụng
Luật An ninh mạng? Không phải! Cũng như Việt Nam, 138 quốc gia (trong đó có 95
nước đang phát triển) đã ban hành LuậtAn ninh mạng. Việc ban hành Luật An ninh
mạng tại Việt Nam là phù hợp với tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên
ngôn về quyền con người của Đại hội đồng Liên hợp quốc (1948) và các văn bản
khác có liên quan, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và phù hợp với xu thế của thế giới, góp phần đắc lực trong việc triển khai
bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng Internet
để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Luật An ninh mạng không ngăn cản, xâm phạm
quyền tự do ngôn luận của công dân. Vì, các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng
tải, chia sẻ thông tin vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề
bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của
Việt Nam. Công dân có thể làm bất cứ điều gì trên không gian mạng mà pháp luật
Việt Nam không cấm. Luật An ninh mạng bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Các quy định của Luật An ninh mạng,
bảo đảm thông tin cá nhân được bảo vệ chặt chẽ. Các cơ quan chức năng có trách
nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống
riêng tư của cá nhân và tổ chức trên không gian mạng. Các hành vi như chiếm
đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa
lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí
mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử
dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị chế tài xử lý.
Luật An ninh mạng Việt Nam chỉ yêu cầu cung cấp thông tin khi
người dùng có hành vi vu cáo, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta, đe dọa
an ninh quốc gia trên không gian mạng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh
mạng theo quy định của Luật chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người
sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng
văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê
duyệt. Đồng thời, tuyệt đối không được lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của
người sử dụng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ đó cho thấy, Luật An ninh mạng ra đời là
cần thiết và không hề xâm phạm đến “quyền tự do ngôn luận”, “quyền riêng tư”
của mọi công dân, phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm
phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng ta. Để việc đấu tranh phản bác kịp thời những quan điểm sai
trái, xuyên tạc về Luật An ninh mạng các cấp ủy Đảng, chính quyền và từng cán
bộ, đảng viên phải quán triệt thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí,
truyền thông và đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác kịp thời với
các hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vu cáo, xuyên tạc
chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng.
Hai là, tích cực tuyên
truyền về Luật An ninh mạng sâu, rộng trong nhân dân và các bộ, đảng viên với
nội dung và hình thức phù hợp. Chú trọng các biện pháp thuyết phục, giáo dục,
giải thích để để tất cả mọi người hiểu đúng về Luật An ninh mạng, có ý thức bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ bản chất khoa học của Luật An ninh mạng,
và nghiêm túc chấp hành, không vi phạm những quy định của Luật khi tham gia
hoạt động trên không gian mạng.
Ba là, các lực lượng
chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, đội ngũ cán bộ của các cơ quan báo chí,
truyền thông, lực lượng báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị và tất cả
cán bộ, đảng viên, phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi không gian mạng để
kịp thời phát hiện những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc nền tảng tư
tưởng của Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, phải yêu cầu gỡ bỏ, và đấu
tranh phản bác kịp thời.
Bốn là, tổ chức đấu tranh vạch trần những quan
điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
trên không gian mạng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên nhận rõ
mục tiêu sâu xa của các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, tiếp tục đẩy
mạnh việc nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng (Bộ
Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, 2018).
Năm là, tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm những quy định của Luật An ninh mạng, từ
đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc của các cá
nhân, tổ chức để có biện pháp ngăn chặn. Đối với những kẻ cố tình phá hoại,
chống đối cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Luật An ninh mạng được
ban hành và đi vào cuộc sống đã đáp ứng tốt yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội, là “lũy thép pháp lý” bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, nên thường xuyên bị các thế lực thù địch vu cáo, xuyên tạc, đòi xóa bỏ
Luật. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân
cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không ngừng nâng cao hiểu biết, kiến
thức về Luật An ninh mạng, chấp hành nghiêm chỉnh Luật, tham gia phát triển
lành mạnh các hoạt động kinh tế, xã hội trên không gian mạng, góp phần bảo vệ
vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét