Để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thực sự có hiệu quả, cần xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, với niềm tin vào thắng lợi và góp phần tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc; tuyệt đối tránh hiện tượng chiếu lệ, hình thức, nói không đi đôi với làm. Lòng yêu nước, niềm tin thắng lợi - gốc rễ lâu bền trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, hồn cốt tạo nên những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ, từ nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta phát triển, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối phù hợp, đúng đắn; cụ thể hóa trong chính sách, pháp luật của Nhà nước; từng bước đi vào vào quần chúng nhân dân thông qua công tác tư tưởng, biến thành hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Vậy nên, để tiếp tục giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc những
thành quả cách mạng, tất yếu phải bảo vệ Đảng. Muốn bảo vệ Đảng, trước hết phải
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
XHCN. Suy cho cùng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ chính là bảo vệ cuộc sống,
văn hóa, con người, cốt cách, trí tuệ Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà
nước, chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng không chỉ là công việc của cán bộ,
đảng viên mà là của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Sự thâm độc của các thế lực thù địch, phản động là dùng mọi thủ
đoạn tấn công vào “cái gốc”, tức là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta
hòng thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, triệt tiêu con đường đi lên CNXH ở
Việt Nam. Từ đó, chúng xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối
của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên
Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “phi chính trị hóa” lực
lượng vũ trang, đòi “thực hiện cạnh tranh chính trị, thiết lập chế độ đa đảng”.
Cùng với đó là sự xuyên tạc, phủ nhận thắng lợi, thành tựu của cách mạng Việt
Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; khoét sâu sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu
sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng; xuyên tạc đoàn kết nội bộ và
bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Do đó, Đảng ta
đã xác định, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân mà tuyên giáo là lực lượng nòng cốt; đồng thời, là
công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt
trận, đoàn thể chính trị - xã hội và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cán
bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Nhiệm vụ cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay càng đòi hỏi phải
bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vì những lý do: 1) Xuất phát từ vị
trí, vai trò của công tác này đối với xây dựng Đảng và đối với quá trình xây
dựng đất nước; 2) Xuất phát từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù
địch; 3) Xuất phát từ bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, đặc
biệt là từ sự tan rã, sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu; 4) Xuất
phát từ thực tế ở trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Song, để công tác này có hiệu quả, cần xuất phát từ trái tim yêu nước, có
niềm tin chiến thắng, với trách nhiệm bảo vệ giống nòi, giang sơn gấm vóc Việt
Nam, chứ không phải bằng mệnh lệnh, gượng ép, đối phó. Một khi cán bộ, đảng
viên và nhân dân hiểu được như vậy, tích cực hành động bằng trái tim tin tưởng,
trách nhiệm, nhiệt huyết, chắc chắn nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được bảo vệ
vững chắc.
Rọi chiếu vào lịch sử cách mạng Việt Nam, toát lên chân lý: Muốn
có chiến thắng, tất yếu phải có niềm tin vào chiến thắng và khi đó mới có sự
đồng tâm hợp lực hành động muôn người như một, cống hiến, hy sinh bằng chính sự
“chỉ đường, dẫn lối” của trái tim yêu nước chân chính. Chính niềm tin của cán
bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, vào sự lãnh
đạo sáng suốt, tài trí của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh
bao trùm, kết nối không gian, vượt qua thời gian, tạo sự bền bỉ, kiên cường,
khắc phục mọi khó khăn, thử thách, làm nên thắng lợi vĩ đại. Chính nhờ có niềm
tin đã tạo nên những trái tim nhiệt huyết, thôi thúc bản lĩnh, bất chấp hy
sinh, gian khổ để xông pha vào các cuộc trường chinh ròng rã gần 100 năm chống
ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và can thiệp của Mỹ; 21 năm
chống ách thống trị thực dân kiểu mới và chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ
cùng bè lũ tay sai. Niềm tin ấy chính là cội nguồn sức mạnh bất diệt, nguồn cảm
hứng, động viên lớp lớp thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc với tinh thần
“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định
không chịu làm nô lệ”.
Trong công cuộc bảo vệ vững chắc nền tảng
tư tưởng của Đảng hôm nay, luôn cần có và phải có niềm tin ở cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trong bộ máy trực tiếp làm
công tác này (Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc, Nhóm chuyên gia, Cộng tác
viên...). Mỗi khi chúng ta có niềm tin vào thắng lợi, ắt sẽ có cách thức tiến
hành để đạt đích thắng lợi. Một khi có niềm tin và trái tim yêu nước chân chính
thì lập trường sẽ không dao động, tâm không gợn sóng, hành động không gượng
gạo, không chạy theo phong trào và thành tích, càng không vì đối phó, hình
thức, mệnh lệnh. Đó chính là gốc rễ đem lại kết quả tích cực, lâu bền trong bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Do vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không đơn thuần là
bảo vệ cho hiện tại mà còn là bảo vệ thành quả của quá khứ và tạo sự vững bền ở
tương lai. Bởi lẽ, “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui
vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân
ta... Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa
độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và
chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất
cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã
chuyển lại cho chúng ta”.
Từ đó, những lúc bản thân phải gánh vác nhiều công việc, có thể
chịu mệt nhọc hơn, hoặc thiệt thòi trong cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm; hoặc bị
non kém hơn về quyền lợi, bổng lộc thì vẫn vui vẻ, với tâm niệm đóng góp của
bản thân chưa xứng đáng với những đồng chí đã cống hiến, hy sinh. Nếu gặp
nghịch cảnh nào đó của thực tế, bản thân có thể chạnh lòng, nhưng không được
phép hụt hẫng, nhụt ý chí phấn đấu, mà cần có suy nghĩ tích cực, vượt qua để
góp phần tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ
quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân; luôn xác định làm việc là vì trách
nhiệm tri ân, chứ không phải vì để được tôn vinh thành tích cá nhân. Theo đó,
tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng là một cách thức góp phần trả
ơn người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Trái tim nhiệt huyết, niềm tin vững chắc và lòng tri ân chân
thành, sâu sắc chính là gốc rễ quan trọng, góp phần quyết định, đem lại kết quả
tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện
nay. Đó cũng là tiền đề, điều kiện tiên quyết, cơ sở để thực hiện “khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng,
để “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó
là CNXH”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét