Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, Đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.Sau
chiến tranh, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa
ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên
giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Đảng đã tập
trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình
thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần
của nhân dân lao động. Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong thời
kỳ mới, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế tập trung bao cấp không còn phù hợp
và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm. Trong việc hoạch định và thực hiện đường
lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ
quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng
hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước những
thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân
dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, thể hiện qua các mốc sau: Nghị quyết
Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá IV (tháng 8/1979); Chỉ thị 100 - CT/TW ngày
13/01/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; Quyết định 25/CP
ngày 21/01/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết
Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khoá V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng
hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng
9/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới. Đại hội VI của Đảng (tháng
12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan
trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trước bối
cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ
nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991)
khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước
đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông
qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác
định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động
của Đảng.
Từ đó đến
nay, Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi
mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng
trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện.
Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, qua hơn bốn mươi năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những
thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta lãnh đạo tiến hành kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thu được những kết quả tích cực. Đất
nước vượt qua khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực (1997 - 1998); khắc phục
có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu
hiện nay; thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và
Chính phủ, bước đầu thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải
thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố
và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét