Trải qua gần 5 năm kiên trì, bền bỉ
đấu tranh tại Hội nghị Pari "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà
bình ở Việt Nam" đã được ký chính thức giữa các bộ trưởng ngoại giao của
bốn bên tham gia Hội nghị Pari ngày 27-1-1973. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ
7 giờ ngày 28-1-1973, với đầy đủ các nội dung yêu cầu cơ bản do phía ta nêu ra.
Trong đàm phán tại Hội nghị Pari, ta ngày càng
thấy rõ đấu tranh ngoại giao là một khoa học và một nghệ thuật. Khoa học nghệ
thuật đòi hỏi chúng ta phải nắm vững so sánh lực lượng ở chiến trường, phải nắm
vững địch, phải biết rõ chiến lược, sách lược và âm mưu thủ đoạn của đối
phương, phải nắm vững thời cơ để tiến công địch, phải có sách lược mềm dẻo linh
hoạt và đúng đắn.
Khoa học và nghệ thuật đàm phán đòi
hỏi chúng ta phải biết giành thắng lợi từng phần và đưa ra những vấn đề cần đàm
phán đúng lúc, không sớm quá hoặc không muộn quá. Trong đàm phán với Mỹ tại Hội
nghị Pari, tên đế quốc đầu sỏ của phe đế quốc chủ nghĩa, ta không thể bắt đối
phương chấp nhận mọi điều kiện của ta mà ta cũng phải nhân nhượng đúng mức.
Trong quá trình đàm phán tại hội
nghị Pari, Đảng chỉ đạo kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng đấu tranh quân
sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao. Đấu tranh ngoại giao luôn dựa
trên cơ sở kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị.
Gần 5 năm đàm phán tại Hội nghị
Pari là quá trình phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đoàn đàm phán với Đảng và
Chính phủ ở trong nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trung ương Cục miền Nam
và nhiều cơ quan khác. Vì vậy, đấu tranh ngoại giao phát triển nhanh chóng và
đạt kết quả cao.
Trong đấu tranh trực diện với
Mỹ trên bàn hội nghị, ta luôn giữ vững độc lập, tự chủ quyết định mọi vấn đề
trong đàm phán. Mặt khác trong đàm phán ta tích cực tranh thủ sự ủng hộ và giúp
đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, của
bạn bè trên thế giới. Nhưng ta tự quyết định nội dung đàm phán, hình thức đàm
phán, bước đi của đàm phán. Trong quá trình đàm phán ta cố gắng hạn chế ý
đồ của đế quốc Mỹ lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung nhằm cô lập ta.
Quá trình đàm phán tại Hội nghị
Pari, Đảng chỉ đạo chủ động kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú như:
đấu tranh trong các phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber
trong đó có 28 phiên họp giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ, ta đấu tranh đòi
Mỹ phải chấm dứt ném bom không điều kiện Bắc Việt Nam , 174 phiên họp của Hội
nghị bốn bên. Đấu tranh trong các cuộc gặp riêng, từ các cuộc gặp riêng cấp
thấp, dần tiến lên các cuộc gặp riêng cấp cao, trong đó có 21 cuộc gặp riêng
trong giai đoạn đòi chấm dứt ném bon miền Bắc Việt Nam, 24 cuộc gặp riêng cấp
cao trong giai đoạn Hội nghị bốn bên. Thực hiện đấu tranh trong các cuộc họp báo
và trả lời phỏng vấn các nhà báo. Đấu tranh bằng cách vận động tranh thủ sự ủng
hộ của các tổ chức, các đoàn thể và các cá nhân thuộc những khuynh huớng chính
trị, tôn giáo, đảng phái khác nhau ở Mỹ và các nước phương Tây, ở các nước xã
hội chủ nghĩa và các nước khác.
Trong các
hình thức đấu tranh tại Hội nghị Pari, đấu tranh trong các cuộc gặp riêng là
quan trọng nhất, trong các cuộc gặp riêng ta và Mỹ tìm hiểu lập trường, quan
điểm của nhau đối với việc giải quyết chiến tranh, chính trong các cuộc gặp riêng
này là nơi hai bên nhân nhượng và thoả thuận với nhau.
Từ kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao
trong lịch sử vận dụng vào chỉ đạo thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước hiện
nay là: muốn thực hiện chiến lược ngoại giao thắng lợi, hoạt động ngoại giao có
hiệu quả trước hết phải không ngừng củng cố kiện toàn hệ thống chính trị bảo
đảm giữ vững sự ổn định về chính trị. Ra sức phát triển kinh tế - xã hội để
không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Củng
cố tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là cơ sở chắc chắn nhất, đảm bảo nhất
để thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở giành chiến thắng. Mặt khác trong
ngoại giao luôn giữ vững lập trường giai cấp công nhân, độc lập, tự chủ và giữ vững
nguyên tắc chiến lược thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội. Nhưng cũng hết sức khéo léo linh hoạt trong thực hiện ngoại giao trên
các lĩnh vực với từng đối tác cụ thể để phát huy tối đa nội lực kết hợp với
ngoại lực tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét