Cách đây 64
năm, vào ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, bộ đội Việt Nam đã tiến về để giải
phóng và tiếp quản thủ đô Hà Nội. Hơn sáu thập kỷ đã qua, nhưng ký ức hào hùng
của những ngày tháng 10 lịch sử ấy vẫn còn vang vọng mãi.
Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng
Long – Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà
Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động,
sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.
Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một mốc
son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra
thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ
đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí
hòa bình đê xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc
Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động
chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ
Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định
không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân,
dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ
ngày 07/5/1954, quân Pháp bị hất cẳng tại Mường Thanh, chúng tỏa về các tỉnh vệ
tinh quanh Hà Nội như Hoà Bình, Nam Định, Bắc Giang... Ở những địa phương đó,
quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu với địch, thu hẹp vùng tạm chiếm. Buộc
chúng phải co cụm, chạy dần về Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Ta lại tiếp tục tiến
về Hà Nội theo đường rút của địch.
Từ ngày 02/10/1954, Chính phủ ta đã phái các đơn vị
trật tự, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội
vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài
sản. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban
Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với đô thị mới giải
phóng, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.
Đến ngày 05/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh
vệ, hành chính vào Hà Nội bắt đầu nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích
công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Ở ngoại thành, địch rút
khỏi Văn Điển từ ngày 06/10/1954. Đến ngày 08/10/1954, ta hoàn thành việc ký
kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với
phía Pháp và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 08/10, thực dân
Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành phố Hà Nội, ở tất cả các vị trí quan trọng của
Thủ đô đều có quân ta án ngữ.
Trước ngày 10/10/1954, các đội trật tự đã vào Hà Nội
trước để bảo vệ an ninh của Thủ đô. Nhiệm vụ chủ yếu của đội là giữ được ổn
định tính mạng, vật chất của nhân dân, cùng với các đoàn thể vận động bà con Hà
Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Tuy đều là những thông tin mật nhưng
hầu hết toàn dân Hà Nội đều rất hoan hỷ để chờ ngày giải phóng Thủ đô. Ở trong
thành phố, lúc ấy quân Pháp vẫn đi tuần tra, thiết quân luật với nhân dân nhưng
không khí đã rất “nóng”. Bề ngoài, nhân dân vẫn sản xuất lao động bình thường
nhưng bên trong mỗi ngôi nhà không khí sục sôi, các chiến sỹ công an cũng rất
vui mừng, cảm nhận ngày chiến thắng đến rất gần nhưng vẫn "nén" trong
lòng để bảo đảm an toàn cho nhân dân Hà Nội...
Sáng ngày 09/10/1954, bộ đội ta từ Đê La Thành chia
làm hai mũi tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy,
Thành Hà Nội,... Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy. Cũng trong buổi sáng ngày 09/10/1954,
các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu
Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long. 16 giờ, ngày
09/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút sang phía đông cầu Long Biên.
Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 09/10, đêm hòa
bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết.
Rồi
thời khắc lịch sử cũng đến. Sáng 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị bộ đội
tiến vào Hà Nội. Trong rừng cờ hoa, với niềm vui sướng tột độ, nhân dân Thủ đô
náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương
cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”. Đúng 15 giờ
ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô
và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên cột Cờ Hà
Nội, tại sân vận động Cột Cờ (chỗ đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê
Hồng Phong ngày nay). Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội
- Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải
phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ
kính yêu. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ
đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều
bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít
tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu
chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về
chiến thắng vang dội của chúng ta.
64 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng của những ngày
đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm
trí của những cựu binh cũng như tất cả người dân Thủ đô. Chắc chắn hình ảnh 5
đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế
của những người chiến thắng sẽ không bào giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ,
chiến sỹ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa.
Những thế hệ công dân sinh sau ngày 10/10/1954, dù không được chứng kiến những
giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha
anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh
vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô
anh hùng - Thủ đô hòa bình./.
Ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những cựu binh cũng như tất cả người dân Thủ đô
Trả lờiXóa