Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Vang mãi hào khí Xô Viết Nghệ Tĩnh


Cách đây 88 năm, với ý chí kiên cường, bất khuất, truyền thống yêu nước của dân tộc, nhân dân ta đã làm nên một cao trào cách mạng 1930-1931 vô cùng mạnh mẽ, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Lịch sử đã sang nhiều trang mới, nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn trên con đường hội nhập và phát triển đất nước.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là sự phát triển tất yếu của quá trình đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân nước ta trong những năm 1930 - 1931. Gần 100 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh từ ngày 01/5/1930 đến tháng 8/1930 là “đêm trước” của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc tổng bãi công của công nhân Bến Thủy - nơi “đứng đầu, dậy trước”, là những cuộc biểu tình khổng lồ của quần chúng từ nông thôn kéo đến huyện lỵ, mà điển hình là cuộc biểu tình của 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (30/8); của 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (01/9); của 3.000 nông dân huyện Can Lộc (07/9)… làm cho chính quyền đế quốc và phong kiến, bọn tổng lý, cường hào ở đây khiếp sợ.

Liền sau những cuộc thị uy ấy, những cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ, sục sôi, dồn dập, liên tiếp của quần chúng ở thôn xã, liên xã và tổng từ ngày 02/9/1930 đến tháng 6/1931, làm tan rã và sụp đổ bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến ở cơ sở. Quá trình sụp đổ của chính quyền địch cũng đồng thời là quá trình hình thành các Xô Viết ở hàng trăm làng xã. Tại Nghệ An, Nông hội nắm chính quyền ở các làng xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, thuộc một phần ở huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ở Hà Tĩnh, chính quyền Xô Viết hình thành ở 172 xã, phần lớn thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ. Chính quyền Xô Viết ở những vùng đất này đã thực hiện quyền làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội.

Trước sức tiến công mãnh liệt của cách mạng, thực dân Pháp và tay sai quyết dìm phong trào Xô Viết trong biển máu. Trận ném bom dã man xuống đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12/9/1930, giết chết 217 người, làm bị thương 125 người. Ngay sau cuộc khủng bố, Tỉnh ủy Nghệ An phát động phong trào chống khủng bố trắng. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân Hưng Nguyên, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra. Ngay tối ngày 12/9, Huyện ủy Nam Đàn lãnh đạo hàng nghìn nông dân nổi trống mõ, biểu tình đến huyện lỵ. Binh lính của thực dân xả súng bắn chết 2 người. Quần chúng đưa hai người hy sinh đó về làm lễ tang trọng thể để vạch tội ác của chúng. Cũng ngay trong đêm 12/9, hơn 4.000 nông dân huyện Thanh Chương cũng biểu tình phản đối cuộc khủng bố và làm lễ truy điệu những người hy sinh.

Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong vòng 07 tháng và còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Thành quả lớn nhất của Cao trào cách mạng 1930 – 1931, với đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đây chính là cuộc Tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ đặt ra vấn đề liên minh công nông, ruộng đất và dân cày, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từng bước tạo thế và lực để dân tộc ta đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngay từ ngày mới ra đời, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh chưa từng có ở nước ta...Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này”.

88 năm đã trôi qua nhưng ngọn lửa cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh những năm 30 thế kỷ XX vẫn luôn bừng cháy trong mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Hào khí Xô Viết - Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là nguồn động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

1 nhận xét:

  1. Ngay từ ngày mới ra đời, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh chưa từng có ở nước ta...

    Trả lờiXóa

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...