Trong
khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh
COVID-19 thì trên mạng xã hội, các đối tượng cơ hội chính trị lại không ngừng
xuyên tạc, phát tán thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận về công tác
phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc
gia Việt Nam lâm thời, các đài phát thanh VOA, Hội anh em dân chủ… cùng một số
phần tử phản động trong nước cấu kết, lợi dụng mạng xã hội để đăng
tải sai sự thật về dịch Covid-19 ở trong nước, làm nhiễu loạn thông tin,
gây hoang mang dư luận và khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác
chống dịch, tán phát bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền
xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, xen lẫn là nội
dung chống phá Đảng và Nhà nước.
Mục đích của chúng chính là nhằm tạo ra bức tranh đen tối về
dịch Covid-19 đang hoành hành tại Việt Nam, gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho
nhân dân trong nước, làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội, gây nghi ngờ,
tạo sự đối lập, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; đồng thời tạo sự
hoài nghi, làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Trước hết, phải khẳng định,
những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước thực hiện thời
gian qua luôn nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân. Các giải pháp đưa ra
dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo
niềm tin với toàn xã hội. Các nước trên thế giới đánh giá rất cao kết quả
phòng, chống dịch của Việt Nam và coi đây là một hình mẫu để tham khảo, học
hỏi.
Để không bị chi phối bởi
những thông tin trôi nổi, thiếu căn cứ trên internet, những luồng tin có ý bôi
xấu, chia rẽ, gây tâm lý hoang mang, bi quan trong phòng, chống dịch, mỗi cán
bộ, đảng viên chúng ta phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, nêu cao cảnh
giác, có trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Trước hết, cần chủ
động và tích cực tẩy chay những đối tượng cố tình tung tin giả nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi hoặc để quảng cáo
bán hàng; chủ động đấu tranh, ngăn ngừa thông tin xấu độc, những thủ đoạn lợi
dụng tin giả để chống phá của các thế lực thù địch.
Đồng thời, mỗi người,
trước hết là cán bộ, đảng viên, cần chủ động, bình tĩnh phòng tránh dịch
Covid-19 bằng các biện pháp đã được cơ quan chức năng khuyến cáo thay vì hoang
mang, lo lắng. Đặc biệt là không nhận và chia sẻ những tin đồn, thông tin trên
mạng xã hội nếu không có căn cứ. Tiếp đó là tự giác thực hiện tốt các khuyến
cáo và thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập -
khai báo y tế) của Bộ Y tế để cùng lan tỏa ý thức phòng, chống dịch ra cộng
đồng dân cư; hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người, kể cả trong những
ngày nghỉ lễ; chủ động khai báo y tế trung thực để góp phần tạo điều kiện nhanh
chóng truy vết, ngăn chặn dịch lan ra cộng đồng.
Ngoài việc thực hiện tốt
chức trách, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương, đây là thời điểm rất cần
đến tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch
cũng như tuyên truyền để người thân trong gia đình và những người xung quanh tự
giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó là kịp thời giúp cơ
quan chức năng phát hiện, xử lý những đối tượng kém ý thức, phá hoại công tác
phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động tham gia đấu tranh với những đối tượng
này trên internet.
Cùng với đó, sự đi trước
một bước của cơ quan chức năng bằng cách cung cấp kịp thời thông tin về các sự
việc đang diễn ra là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý báo chí, mạng xã hội
cũng cần tiếp tục xử lý nghiêm khắc, kịp thời các cá nhân, đơn vị cố tình đưa
thông tin thiếu khách quan, thông tin sai về công tác phòng, chống dịch
Covid-19, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và kết quả sản xuất, kinh
doanh của cá nhân, tập thể...
Bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các cơ quan truyền thông thì
chính mỗi người dân có hiểu biết, có kiến thức, khi tham gia vào không gian
mạng sẽ luôn là một “người tiêu dùng thông thái” biết lựa chọn “những sản phẩm
tốt nhất” cho mình”. Chính
sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông
tin sai sự thật, sẽ góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng
một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.
Để công tác phòng, chống
dịch Covid-19 tiếp tục đạt hiệu quả hơn, mỗi cán bộ, đảng viên cần tham gia
tích cực hơn, đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết hơn với "bệnh" tin giả,
tin đồn, đặc biệt là ngăn ngừa cho được những thông tin xuyên tạc, hạ thấp, phủ
nhận thành quả phòng, chống dịch. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong
hành động, chúng ta chắc chắn sẽ không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn tiếp tục
phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, một lần nữa khẳng định ý chí và
bản lĩnh Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét