Vừa qua,
trên trang facebook Việt Tân ngày 24/4/2022 đối tượng Phan Nguyên phát tán bài
“Ngành giáo dục thất bại và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam”, nội dung
xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo công tác giáo dục, đào tạo của Đảng ta;
vu cáo chế độ ở nước ta đẩy con người
“vào đường cùng”, nền giáo dục “đầy thảm họa”; phản đối chế độ Đảng lãnh
đạo ở Việt Nam; kêu gọi người dân xuống đường đấu tranh xóa bỏ Đảng.
Như chúng ta đã biết, nền giáo dục trước năm 1945, dưới chế
độ thực dân, phong kiến, 95% dân số nước ta rơi vào tình cảnh mù chữ, đại đa số
con em gia đình nông dân, nhân dân lao động không được đến trường. Trung bình
mỗi tỉnh chỉ có từ 02 đến 04 trường tiểu học, mỗi trường có từ 100 đến vài trăm
học sinh. Bậc Trung học chỉ có ở một số đô thị lớn, như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Mỗi trường cũng chỉ có khoảng 100 đến 200 học sinh. Đến năm 1945, toàn Đông
Dương chỉ có Viện Đại học Đông Dương, gồm 10 trường Cao đẳng thành viên, với
1.575 sinh viên so với tổng số dân Việt Nam lúc đó là 23 triệu người.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thành công, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến
vấn đề “diệt giặc dốt”, là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách
của nước nhà lúc bấy giờ.
Người đã ký sắc lệnh thành lập Nhà Bình dân học vụ. Tiếp đến, tháng
10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học. Chỉ sau một
năm phát động phong trào “diệt giặc dốt”, cả nước đã có 2,5 triệu người thoát
nạn mù chữ và đến năm 1948 đã có 06 triệu người thoát nạn mù chữ.
Từ giữa thế kỷ XX đến
nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc
cải cách giáo dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn
khó khăn, nhưng cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên nhằm mục tiêu xây dựng một
nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Đến năm 1956, cải cách giáo dục lần thứ
hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức,
có tài. Năm 1981, cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba toàn diện hơn, đồng bộ hơn
nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy
học. Đến những năm cuối của thế kỷ XX, nước ta đã có hơn 93,7% dân số từ
15 tuổi trở lên biết chữ, 85% tỉnh, thành phố và 90% quận, huyện đạt chuẩn quốc
gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả
nước đang tiến tới phổ cập trung học cơ sở, giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu
số đã có những chuyển biến tích cực.
Cuộc cách mạng về giáo dục với
việc đổi mới căn bản, toàn diện nền
giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công
nghiệp 4.0. Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục chính
thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.
Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2010-2020 xác định: “Phát triển
giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt
Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập
quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Các văn kiện quan trọng khác
của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ đại hội XI, XII tiếp tục cụ thể hóa chủ
trương đổi mới giáo dục và đào tạo. Hội nghị TW 6, khóa XI khẳng định:“
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp
bách”, đòi hỏi phải: đổi
mới tư duy, đổi mới mục tiêu đào tạo; hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và
đào tạo; nội dung, phương pháp dậy và học; cơ chế quản lý; xây dựng đội ngũ
giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện đảm bảo..,
trong toàn hệ thống, tiếp tục cần được cụ thể hóa trong từng giai đoạn.
Thành tựu sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đặc
biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, giáo dục và đào tạo nước ta đã có
những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo
dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp
tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí các
cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định,
tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được
cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm
chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dậy theo hướng tích cực cũng
được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ
năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh… Chủ động phát huy mặt tích
cực, hạn chế các khuyết tật của cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng XHCN
trong giáo dục và đào tạo. Hợp tác quốc tế được tăng cường theo hướng chủ động,
tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục, cũng như yêu cầu
phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước.
Nhờ những kết quả
trên, quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tăng từ 50,4 triệu
người năm 2010 lên khoảng 54,6 triệu người năm 2020 với cơ cấu hợp lý hơn, chất
lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỉ
lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 64% năm 2020.Trong đó, tỉ lệ
lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% năm 2010 lên 24,5%
vào năm 2020.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong
phát triển giáo dục và đào tạo, như nhận thức về triết lý giáo dục Việt Nam
trong thời kỳ mới, vai trò và sứ mạng của giáo dục chưa đủ sâu sắc, chưa làm rõ
được tính ưu việt của nền giáo dục cách mạng, theo định hướng XHCN. Việc đổi
mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện, công cụ hiện đại, đặc biệt là
công nghệ thông tin chưa thực sự hiệu quả; vấn đề rèn luyện kỹ năng sống, kỹ
năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề ở một số nhà trường vẫn chưa thật sự
được chú trọng. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dậy ở
nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được hiện đại hóa tương xứng, còn năng về lý
thuyết, nhẹ thực hành, chưa thực sự chú ý kỹ năng mềm cho người học. Đầu tư cho
giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác quản lý cơ sở giáo dục nước
ngoài, cơ sở liên kết giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân
lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn
còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước…
Những kết quả và hạn chế trong giáo dục và đào
tạo của nhiệm kỳ Đại hội XII đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực
hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong nhiệm
kỳ Đại hội XIII của Đảng. Một số kết quả chính như: mạng lưới cơ sở giáo dục và
đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Việt Nam là quốc gia luôn ưu tiên đầu
tư cho giáo dục, 5 năm 2016-2021, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này đạt
khoảng 20% tổng chi ngân sách. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập
có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo
dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm
tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có
bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục
nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và
đào tạo từng bước đổi mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong
giáo dục và đào tạo được thể chế hoá và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế
về giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng. Trong thời gian dịch bệnh
Covid-19, ngành giáo dục và đào tạo đã tiếp cận dậy và học qua internet, truyền
hình với nhiều hình thức khác nhau.
Tại
Đại hội XIII của Đảng, tiếp
tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương
giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động
lực then chốt để phát triển đất nước”. Nhằm xây dựng con người
Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức,
trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi,
nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát
vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Gắn giáo dục tri thức, đạo
đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt
Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta đều biết rằng, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của
đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, từ việc đánh đuổi quân xâm
lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến thực hiện công cuộc đổi mới
toàn diện, trong đó có nền giáo dục, đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa
lịch sử, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế và
khu vực, những thành tựu to lớn đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Vì vậy,
mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội cần phải tự ý thức và chủ động phòng ngừa,
đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ,
chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, chiêu bài chống phá của
các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính
trị nước ta. Vì, nếu như những biểu hiện xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ là nguy cơ rất
khó lường, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở
nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét