Như đã thành thông lệ, từ sau năm 1975, vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng
30 tháng 4 hằng năm, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt
động ý nghĩa chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này của đất nước, thì một số
đài, báo và các trang mạng nước ngoài, vốn không có thiện cảm với chế độ chính
trị hiện nay ở Việt Nam lại tổ chức các bài viết, bài phỏng vấn những kẻ chống
cộng cực đoan ở hải ngoại, hoặc một vài kẻ “trở cờ” ở trong nước, để phủ nhận
giá trị ngày 30/4/1975 – Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng
như xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Cần khẳng định ngay rằng, cái lý sự cho rằng cuộc
chiến tranh ở Việt Nam là “cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn”, mà “bên thắng
cuộc” là miền Bắc, còn “bên thua cuộc” là miền Nam, chỉ là thứ “lý sự cùn” của
vài nhóm chống cộng nào đó, do ôm hận vì không còn được tận hưởng danh phận của
kẻ làm tay sai cho ngoại bang, vẫn lập luận nhằm hạ thấp giá trị Chiến thắng
30/4/1975 của dân tộc Việt Nam và ngụy biện cho quãng đời làm tay sai cho ông
chủ Mỹ. Điều đó không lòe bịp được những người có lương tri, tôn trọng sự thật.
Sự thật là, những dính líu của đế quốc Mỹ vào Việt Nam đã sớm xuất hiện
từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đến năm 1954, họ đã viện trợ tới 78% chi phí
chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương. Khi không thành công trong việc dính
líu gián tiếp, thì đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, trực tiếp can thiệp xâm lược
Việt Nam. Tuy nhiên, trước thế và lực của chính quyền Sài Gòn (do Mỹ dựng lên)
suy yếu đến mức không thể cứu vãn được nữa, thì từ những năm 60 của thế kỷ XX,
Mỹ đã chính thức nhảy vào cuộc, với các chiến lược chiến tranh lần lượt được
Nhà trắng áp dụng, là: Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), Chiến tranh cục bộ
(1965 - 1966) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 1973). Cùng với các chiến
lược chiến tranh đó, đế quốc Mỹ còn phiêu lưu thực hiện chiến dịch vô nhân tính
ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội và miền Bắc Việt Nam bằng siêu pháo đài
bay B.52, hòng đưa Hà Nội và miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.
Những con số trên cho thấy đây không phải là cuộc chiến của những người
Việt Nam với nhau. Cần khẳng định rằng, cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 ở
Việt Nam là cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế
quốc Mỹ. Do đó, nếu có “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” ở đây, thì cần phải
nói rằng: toàn thể dân tộc Việt Nam là “bên thắng cuộc” và đế quốc Mỹ là “bên
thua cuộc”, đúng như tuyên bố đầy ý nghĩa của cố Thượng tướng Trần Văn Trà
trong cuộc gặp giữa ông (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia
Định) với cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh cùng nội các trước
khi trả tự do cho họ, ngày 02-5-1975, rằng: “Giữa chúng tôi và các anh, không
có ai được, ai thua, chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng”.
Lịch sử cuộc chiến đã lùi xa 47 năm, nhận thức đúng bản chất của cuộc
chiến này sẽ cho phép mỗi người dân Việt Nam, dù trước đây đứng ở phía bên nào
của cuộc chiến cũng có quyền tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của
dân tộc; đó cũng chính là một cách để đi tới sự hòa hợp dân tộc được thanh thản
nhất. Nhân đây, xin nhắc lại cảm nghĩ của cố giáo sư Trần Chung Ngọc để thay
cho lời kết bài viết này: “Có đi du lịch nhiều nơi trên thế giới mới thấy chiến
thắng của Việt Nam đã được ngưỡng mộ như thế nào” và “Ngày 30/4/1975 không chỉ
có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà
còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp
tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể
hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người
nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét