Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

NVE39 - DẠY MÔN LỊCH SỬ TRONG BẬC HỌC PHỔ THÔNG LÀ ĐỂ NÂNG CAO NHÂN CÁCH, LÒNG YÊU NƯỚC

 

Từ năm học 2022-2023, ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thay vì là môn bắt buộc; còn ở trung học cơ sở, môn Lịch sử không đứng riêng mà là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý.

Dân ta phải biết sử ta

Ngay từ thời phong kiến, khi dạy người, ông cha ta đã rất coi trọng giáo dục môn Lịch sử. Thời kỳ đó, các nho sinh từ 6 tuổi trở lên đã phải ngày đêm đèn sách, gắng sức học cho thông kinh sử, bởi không thông sử thì khó mà đỗ đạt làm quan để phụng sự dân tộc, quản lý đất nước, sau nữa là rạng rỡ tổ tông. Sinh thời, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy Nguyễn Tất Thành thời còn niên thiếu nhiều kiến thức, nhưng nhiều nhất vẫn là những bài học về lịch sử; thông qua những trang sử nước nhà đã giúp người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, cường quyền của bọn đế quốc, phong kiến.

Thấm thía rõ điều ấy, ngay từ năm 1942, khi lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã soạn một tài liệu có tên: "Lịch sử nước ta" để tuyên truyền, vận động nhân dân. Mở đầu tài liệu, Người viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" (1). Câu thơ giản dị ấy đã nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của lịch sử dân tộc đối với mỗi người dân đất Việt. Tất cả giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thường được đúc kết bằng những trang sử, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm vô cùng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam, góp phần nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh, qua đó giúp các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay. Nếu chúng ta không dạy cho thế hệ trẻ môn Lịch sử thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc”, “suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện và bền vững.

Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Các thế lực xâm lược nước ta đã dùng trăm phương, nghìn kế để xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng đồng hóa dân tộc nhưng chúng đều thất bại.

Hiện nay, tình hình chính trị-an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến hết sức phức tạp. Đối với Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đang đặt ra ngày càng nặng nề và phức tạp hơn. Nếu chúng ta không có sự giáo dục đúng mức thì nhiều thế hệ người Việt không thể hiểu biết đầy đủ về lịch sử chủ quyền quốc gia. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không nắm chắc, hiểu rõ lịch sử dân tộc, không có niềm tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc thì làm sao có thể yêu nước và bảo vệ đất nước một cách chân chính nhất.

Học sinh cần được tiếp cận môn học bằng phương pháp, tư duy khoa học lịch sử sao cho các bài học trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, đi vào trọng tâm, làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử... thành các bài học để bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy-học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cho ngang tầm với yêu cầu mới. Người thầy sẽ hỗ trợ học sinh hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa, giá trị của các sự kiện lịch sử đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc.

Làm cho học sinh khi học môn Lịch sử phải hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai, tiền đồ của đất nước. Dạy-học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo ra nguồn cảm hứng, thích thú để học sinh nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử, từ đó hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...