Công đoàn là tổ chức có vị trí và vai trò
vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta. Ngay tại Điều 10, Hiến
pháp năm 2013 đã khẳng định: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã
hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự
nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã
hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ
chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của
người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình
độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn
được tái khẳng định tại Điều 1, Luật Công đoàn 2012. Điều đó cho thấy, trong
các quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức Công đoàn có một vị trí đặc biệt
quan trọng, là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quan
hệ lao động, đồng thời là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính
đáng của người lao động - người có vị thế yếu thế so với người sử dụng lao động
trong quan hệ lao động.
Sự thành lập của tổ chức đại diện người
lao động là một phong trào lớn trên thế giới, xuất hiện tại châu Âu vào đầu thế
kỷ XIX đồng thời với cuộc cách mạng kĩ nghệ, khi người lao động có nhu cầu cần
được bảo vệ trước sức mạng của người sử dụng lao động và tự ý thức được giá trị
sức mạnh tập thể. Ở Việt Nam, tổ chức công đoàn có lịch sử ra đời từ những năm
20 của thế kỷ XX. Dưới các tầng áp bức của chế độ phong kiến thực dân, giai cấp
công nhân Việt Nam đã liên kết để thành lập các tổ chức nghiệp đoàn, công hội
để đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp mình. Trong các nghiệp đoàn, công hội
đó, tổ chức công hội Ba Son được thành lập những năm 1920, đã đánh dấu mốc quan
trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ngày 28/7/1929, Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng quyết định triệu tập
đại hội thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu
sự ra đời của tổ chức đại diện lao động đầu tiên ở Việt Nam.
Trải qua hơn 92 năm xây dựng và phát
triển, tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định được vai trò của một tổ chức dẫn
dắt và bảo vệ quyền của người lao động trong quan hệ lao động. Tổ chức công
đoàn đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc,
sát cánh cùng giai cấp công nhân và người người lao động qua những giai đoạn
lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cùng với giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn
luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị
của đất nước.
Hiện nay yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa
và hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và các tác động
của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đã và đang đặt ra cho đất nước
ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam
kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các
Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải
đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả to
lớn và truyền thống của tổ chức công đoàn. Đồng thời, phải khẳng định được vai
trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.
Vì vậy cần thực hiện một số nội dung nhằm
nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay, bao
gồm:
Thứ nhất, phải rà soát, hoàn
thiện các quy định về công đoàn, trong đó quan trọng nhất vẫn là sửa đổi, bổ
sung một số nội dung của Luật Công đoàn 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành
đối với hoạt động của tổ chức công đoàn.
Thứ hai, đổi mới nội dung,
phương thức, phương pháp chỉ đạo hoạt động một cách thực chất hơn, bám sát với
nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động.
Thứ ba, cần thiết phải mở
rộng đối tượng gia nhập và hoạt động công đoàn.
Thứ tư, có chế độ đãi ngộ xứng
đáng cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Thứ năm, chủ động hội nhập quốc
tế, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam, phát huy hiệu
quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.
Hoạt động bảo vệ quyền của người lao động
luôn là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Để tổ chức công đoàn thực sự là sự
là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, tổ chức đại diện và bảo vệ quyền
lợi cho người lao động đòi hỏi tổ chức công đoàn không ngừng đổi mới, thay đổi
nội dung và phương thức hoạt động, chuyển biến tư duy và nhận thức cho phù hợp
với vai trò lịch sử của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới.
cần nhân rộng bài viết này
Trả lờiXóa