Sau khi Tổng cục Thống kê công bố: Tổng sản phẩm trong nước
(GDP) năm 2022 của Việt Nam ước tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao
nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại thì các thế lực
thù địch và một số phần tử chống đối lại hậm hực. Với âm mưu làm giảm niềm tin
của nhân dân vào chế độ, chúng ra sức “bôi đen bức tranh kinh tế” của đất nước.
Một số người do không hiểu tình hình Việt Nam hoặc cố tình
xuyên tạc sự thật đã “phát biểu” trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài rằng,
“Việt Nam nhào nặn số liệu thống kê” là hoàn toàn sai trái, bởi chính họ đã
“nhào nặn méo mó”, “bôi đen” bức tranh kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục
Thống kê dã từng khẳng định: “Quan điểm làm thống kê của chúng tôi là trung
thực, đổi mới, vì đất nước. Cơ quan thống kê hoàn toàn độc lập, khách quan,
không chịu sức ép của ai. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thừa nhận Tổng cục Thống
kê Việt Nam áp dụng đúng chuẩn mực, thông lệ quốc tế và xin phép sử dụng các
báo cáo của cơ quan thống kê để công bố công khai trên trang web của họ”.
Không chỉ có IMF, rất nhiều tổ chức quốc tế đã tin tưởng vào
số liệu thống kê trung thực, minh bạch của Viêt Nam. Nhiều hãng tin quốc tế như
Reuters của Anh, báo Hoàn Cầu, Sina, Giới tài chính của Trung Quốc ngày
29-12-2022 đã dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, GDP của Việt
Nam năm 2022 tăng 8,02%, tốc độ tăng trưởng năm nhanh nhất kể từ năm 1997, được
hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ và xuất khẩu mạnh mẽ. Con số này cao hơn mục tiêu
tăng trưởng chính thức là 6,0 - 6,5% và mức tăng trưởng năm 2021 chỉ là 2,58%
do ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Kinh tế
Việt Nam tăng trưởng cao như vậy, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế
toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam, nhà sản
xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu
quốc tế lớn.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng dẫn lại số liệu
thống kê về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cho rằng kinh tế Việt Nam tăng
trưởng với tốc độ nhanh nhất châu Á trong năm nay, cho thấy Việt Nam có động
lực tăng trưởng mạnh ngay trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu bắt đầu trở
thành hiện thực.
Ông Timevans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: “Tôi
cho rằng các động lực tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi Việt Nam vẫn tiếp tục là một nước
rất hấp dẫn FDI. Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 5, 6
tháng tới. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, làm tăng mức tiêu dùng nội địa. Và
quan trọng là những chỉ đạo, điều hành rất sát của Chính phủ. Theo tôi 4 yếu tố
này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp những thách thức mà nền
kinh tế toàn cầu phải đối mặt”.
Thực ra âm mưu đằng sau việc “bôi đen bức tranh kinh tế”
Việt Nam của các thế lực thù địch không có gì mới. Nhiều năm trở lại đây, mỗi
khi đất nước ta đạt được những thành tựu phát triển, họ lại càng hằn học, tìm
mọi cách để chống phá. Họ cố tình “bôi đen bức tranh kinh tế” để qua đó làm
giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào chế
độ ưu việt mà nhân dân ta đã và đang xây dựng.
Nhưng năm nay, chúng lại đưa ra những thủ đoạn mới. Chúng đã tận dụng tối đa hệ thống báo chí, mạng xã hội ở nước ngoài, các kênh Facebook, YouTube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật”. Mánh lới của họ là giật tít, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người. Chính vì vậy, mọi người phải hết sức cảnh giác trước các thông tin xấu, độc này.
Vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2023, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương
tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết
của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dự Hội nghị quan trọng này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
Năm 2022 tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều
vấn đề chưa có tiền lệ. Nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài
và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết,
trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm và nỗ lực lớn, hành
động quyết liệt để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được
Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh đầy khó
khăn, thách thức là niềm tin vững chắc cho chúng ta bước vào năm 2023, năm bản
lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thế nhưng, có một thực tế là chúng ta càng thành công thì
các thế lực thù địch càng tức tối, càng tăng cường chống phá. Vì vậy, cùng với
việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, các cơ quan chức năng của
Nhà nước, cán bộ và nhân dân cần kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại
chúng, trên mạng xã hội; hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý hoạt động
trên không gian mạng, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe và xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm./.
không tin đài địch
Trả lờiXóa