Từ rất sớm,
trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: làm cách
mệnh “trước hết phải có Đảng cách mệnh…”. Theo Người, Đảng cách mệnh là nhân tố
quyết định sự thắng lợi của cách mạng, nhưng Đảng đó phải bao gồm những người
có tư cách của người cách mệnh, mà tư cách người cách mệnh được Người khái quát
hết sức đơn giản, ngắn gọn đó là “Cần, kiệm; Hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi
mình; cẩn thận mà không nhút nhát…”. Từ những tư tưởng đó với sự quyết tâm nỗ lực
của chính mình, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm
1930.
Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã có bước
chuyển quan trọng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Song để Đảng trở
thành người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam Đảng phải không ngừng tự
chỉnh đốn để Đảng thực sự là Đảng cách mạng. Từ khi chưa trở thành Đảng cầm quyền,
năm 1939, Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ
trích" để chỉnh đốn Đảng, đảng viên phải tự chỉ trích trước Đảng. Mục đích
của “Tự chỉ trích”: Là phải thông qua phê bình và tự phê bình trong Đảng để
“tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”.
Trong “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ “Người cộng sản có bổn
phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo
đuôi họ, hay phỉnh họ…”.
Về phương pháp phê bình và tự phê bình: Trong tác
phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình
phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của
mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như
thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ.” Đồng
chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn
là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của
Đảng.”
Nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian và công sức để giáo dục và rèn luyện Đảng
ta. Tự phê bình và phê bình không những chỉ là tư tưởng mà còn là tấm gương mẫu
mực của Người để toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Trong
tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất
định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”.
Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm
của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,… là
một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của tự phê
bình và phê bình với người cách mạng là: “Giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ…
Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.
Trong quá trình
xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn trung thành tuyệt đối với chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nhất quán quan điểm “Phát triển
kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”. Đối với việc xây dựng chỉnh
đốn Đảng, Đảng luôn coi trọng tự phê bình và phê bình, vì Đảng khẳng định:“Tự
phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một
phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”.
Quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, nhiều
vấn đề mới, phức tạp nảy sinh đòi hỏi Đảng phải giải quyết, một trong những vấn
đề nổi cộm đó là phải thực hiện xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh loại trừ những
căn bệnh nguy hiểm có thể nảy sinh trong Đảng cầm quyền. Vì vậy các nhiệm kỳ Đại
hội của Đảng đều chú trọng công tác xây dựng Đảng mà tập trung thể hiện cao nhất
ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua đã thảo luận và ban hành Kết luận số
21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết
ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo
đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW
về những điều đảng viên không được làm với nhiều điểm mới nổi bật.
Đặc biệt trong thời gian tới, Kết luận số
21-KL/TW khẳng định: Phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc
cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung
ương 4 (khóa XII) đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ,
giải pháp là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người
đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên
trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”.
Theo đó, phải
chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những
việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi,
"lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm
soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những
hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham
nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong
Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý
đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Để triển khai thực
hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đi vào thực tiễn cuộc sống, đòi
hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các
cấp luôn nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình trước dân, đất nước,
trước Đảng để tự giác gương mẫu thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà
nước. Trong đó, thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban
Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, có ý nghĩa quyết định
trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Những nội dung mới đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng
viên nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và có phương
pháp đúng đắn, linh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận Hội
nghị Trung ương 4 (khóa XIII) tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng,
xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, như lời phát biểu Bế
mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu
mỗi cán bộ, đảng viên "hãy phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá
nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung
ương" để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng
và đảng viên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
cần ngăn chặn suy thoái tư tưởng
Trả lờiXóa