Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng
liêng, phần máu thịt không thể tách rời và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với
sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Các thế lực thù địch, phản động luôn
tìm mọi cách xuyên tạc, kích động, chống phá chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra là phản bác và đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên
tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền
lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam. Vùng biển, đảo nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố theo chiều dài bờ biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ biển Đông… Với tiềm năng kinh tế biển hết sức to lớn, biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo vị thế chiến lược quốc phòng - an ninh vững chắc của đất nước.
Trong
quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy cam go, quyết liệt của dân tộc đã
chứng minh vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng của công cuộc phòng thủ quốc
gia từ hướng biển. Đảng ta xác định, biển, đảo của Việt Nam có vị trí, vai trò
và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay.
Trong
các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và
Nghị quyết Trung ương 4, khóa X nêu rõ: “… phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc
gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Những năm qua, quán triệt quan điểm của Đảng,
cả nước đã hướng về biển đảo, chúng ta quán triệt phương châm: kiên quyết, kiên
trì giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo thông qua thương lượng hòa bình,
trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 và
đã đạt được những kết quả rất quan trọng, giữ vững được chủ quyền biển, đảo Việt
Nam.
Tuy
nhiên, các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài đã lợi dụng các trang mạng
xã hội: facebook, Youtube, Twitter, Zalo… xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ,
trong đó có chủ quyền về biển, đảo; lợi dụng những “điểm nóng” trên biển Đông
phát tán tài liệu, hình ảnh, video hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động dư luận. Mục đích
của chúng nhằm khuấy động lòng dân, hòng gây mất ổn định tình hình an ninh, trật
tự trong nước, chia rẽ mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội
và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan.
Các
thế lực thù địch, cơ hội chính trị cố tình thông tin sai sự thật hòng bẻ lái dư
luận, vu khống trắng trợn rằng: Đảng và Nhà nước không quan tâm đến việc bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo; còn tung luận điệu
xảo trá, vu cáo “chính quyền Việt Nam làm ngơ về biển Đông”... Chúng đòi “hợp
tác với một nước khác để giải quyết tình hình”, đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo
vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó đánh vào tâm lý hoài nghi của người dân, cho rằng
lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” để chủ quyền biển, đảo bị xâm lấn…
Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn phủ nhận những thành quả đạt được
và quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
thời gian qua, đồng thời cũng là luận điệu nằm trong âm mưu “diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch, phản động luôn chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Đặc
biệt, chúng vin vào tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản ở ngoài vùng biển
nước ta, bị lực lượng bảo vệ pháp luật của các nước bắt giữ, xử lý để tung luận
điệu “ngư dân bị bỏ rơi”, hay tung tin “lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật
trên biển làm ngơ, không hoàn thành nhiệm vụ”.
Nếu
người dân không tỉnh táo sẽ rất dễ “sập bẫy” trước những luận điệu xuyên tạc,
kích động trên mạng xã hội, dẫn đến sự hoài nghi, mất niềm tin vào sự lãnh đạo
của Đảng và Nhà nước, của lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển.
Chủ
quyền là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của một quốc gia và
đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt
Nam, của Đảng và Nhà nước ta. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị
Ngoại giao lần thứ 31: “Chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải, xu hướng thời
đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Do đó, cần nhận diện, bóc trần, phản bác và kiên trì đấu tranh với những chiêu trò suy diễn, xuyên tạc, phê phán đường lối đối ngoại, đường lối bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Để
xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển;
đồng thời, tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an
ninh biển, đảo trong tình hình mới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ
nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo. Tiếp
tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong
cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ
Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là bảo vệ vững
chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Kịp thời nắm bắt, xử lý và định
hướng thông tin, phát hiện và ngăn chặn những thông tin xấu của các thế lực thù
địch chống phá ta.
Thứ
hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và
Nhân dân về chủ quyền biển, đảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức đúng, tuân thủ
pháp luật của người dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam khi ra khơi đánh bắt hải
sản, từ đó có ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực
hơn nữa không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và tạo
điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ để ngư dân vươn khơi, bám biển.
Thứ
ba, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng ven biển, hải đảo một cách có hiệu quả.
Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả
năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; khai thác có hiệu
quả các tiềm năng của biển. Phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết tốt các
vấn đề xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Thứ
tư, tăng cường quản lý các trang mạng xã hội và bảo đảm an ninh mạng ở Việt
Nam. Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, thông tin liên quan đến các
vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là tình hình biển Đông để kịp thời
phản bác, bóc trần, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch trên không gian mạng, với những hành vi lợi dụng internet và các trang
mạng xã hội nhằm xuyên tạc, kích động dư luận chống phá Đảng và Nhà nước ta về
bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
bài viết rất hay
Trả lờiXóa