“Nói đi đôi
với làm”, là một trong những nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong tư tưởng Hồ
Chí Minh về đạo đức cách mạng của người cán bộ nói chung và người cán bộ trong Quân
đội nói riêng. Nguyên tắc này được Chủ tịch Hồ chí Minh luôn luôn nhất quán
trong giáo dục cũng như thực hành đạo đức. Đặc biệt, Người hết sức chăm lo giáo
dục cho đội ngũ cán bộ Quân đội về nguyên tắc đạo đức quan trọng này.
Có thể nói,
bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào. Bác Hồ cũng luôn quan tâm giáo dục, nhắc nhở đội
ngũ cán bộ của Đảng nói chung và cán bộ trong Quân đội nói riêng phải thực hiện
lời nói phải đi đôi với việc làm. Bởi vì, không ở một lĩnh vực nào mà sự đòi
hỏi lời nói phải đi đôi với việc làm lại đặt ra yêu cầu cao như lĩnh vực đạo
đức. Hơn nữa, có nhất quán giữa nói và làm thì người chỉ huy quân sự mới giành
được lòng tin của cán bộ, chiến sĩ. Nếu người cán bộ nói nhiều làm ít, nói mà
không làm, hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất uy tín trước
đơn vị. Vì thế, sự thống nhất giữa nói và làm còn là một yêu cầu tất yếu đối
với người cán bộ nói chung và người cán bộ quân đội nói riêng.
Đầu năm 1948,
khi nói về “mười điều răn” đối với cán bộ Quân đội, Hồ Chí Minh đã xác định
điều răn thứ tư là: “Không bao giờ sai lời hứa”. Người chỉ huy trong quân đội
không bao giờ được hứa suông và chỉ có như vậy, mới tạo được uy tín trước quần
chúng, trước đơn vị. Người xác định cho đội ngũ cán bộ là: bất kỳ ở đâu, bất kỳ
việc gì cũng phải miệng nói tay làm, khi giáo dục bộ đội trước khi tiến hành
công tác dân vận, Người nhấn mạnh: “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải
tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng
diễn thuyết”.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh còn xác định phải có sự thống nhất giữa “tư tưởng và hành động” giữa
“quyết tâm và thực hiện”. Bởi vì, chỉ có sự thống nhất ấy thì “cái tinh thần”
mới biến thành lực lượng vật chất, mới tạo nên sức mạnh làm biến đổi hiện thực.
Tại hội nghị tổng kết chiến dịch đường số 18 (tháng 5/1951). Người khẳng định:
“Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc”. Người thường
xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ các đơn vị phải có quyết tâm cao trong chiến đấu,
trong công tác và khi đã hứa quyết tâm thì phải thực hiện cho bằng được.
Đã nhiều lần
Người nhấn mạnh: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết
tâm trong công tác và trong hành động”. Người còn chỉ dẫn một cách cụ thể: “Lời
thách thức thi đua phải thiết thực, chớ lông bông. Đã thách thì phải làm cho kỳ
được, hoặc vượt quá mức thách càng tốt”. Ngay cả trong lĩnh vực xây dựng tình
đoàn kết Người chỉ rõ: “Không phải chỉ đoàn kết ngoài miệng mà phải thực sự
đoàn kết trong công tác, trong học tập”. Trong lĩnh vực học tập, Hồ Chí Minh
cũng luôn giáo dục đội ngũ cán bộ Quân đội là phải học để làm việc, học để nâng
cao phẩm chất, học phải gắn với hành. Người nhấn mạnh: “Học để mà làm, lý luận
phải đi đôi với thực tiễn: “Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện.
Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”. Nguyên tắc đạo đức Hồ Chí
Minh “Nói đi đôi với làm” luôn gắn liền với tính nêu gương. Trong lĩnh vực đạo
đức, sự nêu gương của cán bộ có sức cảm hoá to lớn đối với toàn đơn vị và cộng
đồng. Chính vì lẽ đó, cả Lê-nin và Hồ Chí Minh đều đã từng nêu một nguyên tắc
rất cơ bản để xây dựng đạo đức mới là: Một trăm bài diễn thuyết hay, không bằng
một tấm gương sống. Đó cũng là điều chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, học
tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh một tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời.
Trong suốt quá
trình giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
đặt ra yêu cầu phải nêu gương về đạo đức. Ngay từ mùa thu năm 1947, trong thư
gửi Quân đội nhân dân nhân ngày Quốc khánh, Người đã nhấn mạnh: “Mỗi người chỉ
huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu, phải giữ vững đạo đức
của người quân nhân cách mạng”. Phải nêu gương về đạo đức, đó là trách nhiệm
của tất cả cán bộ Quân đội, dù ở cấp bậc nào, dù là người đội trưởng hay chính
trị viên, dù là cán bộ tham mưu hay chuyên môn kỹ thuật. Song, Hồ Chí Minh xác
định sự gương mẫu về đạo đức trước hết phải là đội ngũ cán bộ chính trị: “Trách
nhiệm của người chỉ huy quân sự và người chính trị viên phải xác định rõ ràng.
Chính trị viên phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”.
Đội
ngũ cán bộ có vai trò hết sức to lớn đối với sự trưởng thành và chiến thắng của
Quân đội. Chính vì vậy, Người thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ quân đội phải “Cố
gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho bộ đội”. Sự nêu gương về đạo đức của
người cán bộ quân đội phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong chiến đấu,
huấn luyện cũng như trong sinh hoạt đời thường. Khi quan hệ với tập thể cán bộ,
chiến sĩ, phải luôn nêu gương, phải chú ý cả những hành vi nhỏ nhất. Bác Hồ đã
từng nhấn mạnh: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội
chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ
không được kêu mình mệt”. Cuối năm 1954, khi nói chuyện với bộ đội tham gia
duyệt binh, Người chỉ rõ: “Các cán bộ từ chỉ huy trở xuống phải cố gắng hơn nữa
trong công tác, trong học tập, từ bước đi, từ cái chào đều phải chính quy hóa,
cán bộ phải tiến trước và làm gương cho các chiến sỹ”.
Ngày
nay, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan
trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Song, mặt trái của cơ chế thị
trường và xu thế toàn cầu hoá đã và đang có những tác động tiêu cực đáng kể đến
nền đạo đức xã hội và phẩm chất, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên. Trong Quân đội hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên nảy sinh tư
tưởng “tư túi”, dối trá, “nói một đằng làm một nẻo”, ngày càng xa rời những
nguyên tắc đạo đức mà Bác Hồ đã dày công giáo dục, rèn luyện, thực trạng đó đã
làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng và nâng cao chất lượng tổng hợp
của quân đội. Chính vì thế, việc tiếp tục nghiên cứu, học tập tư tưởng đạo đức
nói chung và nguyên tắc đạo đức “nói đi đôi với làm nói riêng” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh nói riêng, đang là vấn đề thời sự, là yêu cầu bức thiết đối với mỗi
cán bộ, đảng viên trong quân đội, đó cũng chính là việc làm thiết thực nhằm
thực hiện thắng lợi cuộc vận động “xây dựng và chỉnh đốn Đảng” cũng như cuộc
vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay./.
|
|
|
|
đã nói thì phải làm
Trả lờiXóa