Lịch sử cách mạng Việt
Nam đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định mọi thắng
lợi của cách mạng cả trong thời kỳ giành, giữ chính quyền và công cuộc xây dựng,
phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nhận thức rõ vấn đề đó,
thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị tại Việt
Nam, hướng Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, các thế lực thù địch chú
trọng tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bên cạnh những hoạt động
như tác động, chuyển hóa; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng
thì một mũi tấn công trọng yếu, thường xuyên được các thế lực thù địch tiến
hành thời gian vừa qua là đẩy mạnh hoạt động phá hoại tư tưởng với nhiều luận
điệu “tấn công trực diện” vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích của các thế lực
thù địch là qua hoạt động phá hoại tư tưởng để tác động nhằm thay đổi nhận thức,
niềm tin của các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh đạo
của Đảng, vào tính tất yếu của sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ đó
lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào con đường chống đối lại Đảng, hình thành nên
các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập tại Việt Nam, tiến tới thiết lập cơ chế
đa nguyên, đa đảng.
Với mục đích đó, các thế lực thù địch đã
tung ra hàng trăm, hàng nghìn các luận điệu khác nhau tấn công vào vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như Muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội
phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng” hay “Đa nguyên, đa đảng” là biện pháp duy nhất để có dân chủ thực sự
và phát triển xã hội?
Trên cơ sở lý luận và
thực tiễn về dân chủ và chế độ chính trị, tiếp cận ở khía cạnh lịch sử và đương
đại để phân tích, bình luận về quan điểm nêu trên, luận giải những vấn đề cần
phải làm trong xây dựng Đảng, bảo đảm rằng Đảng Cộng sản là chính đảng cầm quyền
thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và đưa đất nước phát triển là giá trị cốt
lõi, tiền đề cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng và hoàn thiện
ở Việt Nam.
Về quan điểm: Muốn thực sự có dân
chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng”?
Cần thấy rằng, “đa nguyên, đa đảng” là
sản phẩm của nhà nước tư sản nhằm duy trì bản chất của giai cấp tư sản (số ít
trong xã hội thuộc giai cấp bóc lột). Mục đích chính trị của đa nguyên, đa đảng
là nhằm thủ tiêu chế độ công hữu, duy trì chế độ tư hữu. Do đó, nhà nước tư sản
mặc dù là kiểu nhà nước tiến bộ trong lịch sử, song do giai cấp tư sản nắm địa
vị thống trị nên vẫn là kiểu nhà nước của thiểu số bóc lột đa số giống như hai
kiểu nhà nước trước đó (nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến).
Nhà nước tư sản ra đời từ sau thắng lợi
của cách mạng tư sản, là nấc thang tiến bộ trong lịch sử nhân loại, phá bỏ chế
độ phong kiến, hình thành nền dân chủ tư sản, thông qua lý luận chính thể trên
cơ sở Hiến pháp (Hiến chính) tạo nên hình thức chính thể mới là quân chủ lập hiến
(quân chủ lập hiến là sản phẩm của cách mạng không triệt để, có sự thoả hiệp giữa
giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc, phong kiến). Vua không còn quyền lực vô biên
như ở nhà nước phong kiến mà bị ràng buộc bởi quy định mang tính chuẩn mực của
Hiến pháp. Đồng thời, cùng với thắng lợi của cách mạng tư sản và để thích ứng với
sự phát triển của kinh tế, đa số nhà nước tư sản đều xây dựng chế độ cộng hòa
dân chủ (cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện và cộng hòa lưỡng tính), thực
hiện nguyên tắc tam quyền phân lập và đa đảng cạnh tranh. Trong nhà nước tư sản,
bầu cử được xem là một biện pháp dân chủ để thông qua đó người dân cử người đại
diện cho mình tham gia các công việc của nhà nước. Tuy nhiên, một vấn đề đặt
ra: vì sao ở những nhà nước tư sản với nền chính trị “đa nguyên, đa đảng”, bầu
cử dân chủ mà đại diện cho nhân dân lao động chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội
lại rất khó trúng cử hoặc không thể chiếm đa số trong nghị viện. Các chính sách
phát triển cho đa số người lao động, người nghèo lại khó được nghị viện thông
qua như vậy (ví dụ trường hợp Obamacare không phải là cá biệt). Thực trạng đó
cho thấy, đại diện các đảng phái có chân trong nghị viện sẽ thực hiện quyền lập
pháp, quyết định chính sách có lợi cho đảng mình mà không phải cho đông đảo người
lao động; pháp luật là công cụ cho giai cấp tư sản không chỉ quản lý đất nước
mà còn thực hiện biện pháp bóc lột giai cấp.
Như vậy, đa nguyên, đa đảng không phải
là phương thức để mang đến dân chủ thực sự với ý nghĩa dân chủ là giá trị cốt
lõi để người dân được trực tiếp, gián tiếp tham gia các hoạt động nắm giữ quyền
lực công, mang lại việc thụ hưởng quyền đầy đủ. Đây chính là lý do để thấy rằng
trong các nhà nước tư sản đang tồn tại chế độ “đa nguyên, đa đảng” thì vẫn phải
đối mặt với chính trị bất ổn, kinh tế suy thoái, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân
không được bảo đảm. Có thể thấy được thực trạng này ở những nhà nước tư sản
trên thế giới như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là Mỹ, Anh, Pháp. Như vậy,
trong nhà nước tư sản, người dân không được làm chủ, mà các đảng phái tranh
giành quyền lực chính trị, thâu tóm các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước
với mục đích bóc lột càng nhiều càng tốt nhân dân lao động thông qua các chính
sách thuế, chính sách phát triển khác, thì đó là “đảng chủ” chứ không phải là
dân chủ.
Trong khi đó, nhà nước xã hội chủ
nghĩa ra đời sau thắng lợi của cách mạng vô sản, là kiểu nhà nước chưa từng có
trong lịch sử và là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử, ra đời với sứ mệnh bảo
vệ bản chất giai cấp của nhà nước vô sản: do nhân dân lao động nắm quyền, bảo vệ
quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội, không có áp bức, bóc lột giai cấp
khác trong xã hội. Vì thế, V.I.Lênin gọi đây là “nhà nước nửa nhà nước”. Xét về
lý luận, kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước có nền dân chủ ưu việt
hơn dân chủ tư sản. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ đưa người dân từ
giai cấp bị trị, bị bóc lột lên vị trí nắm quyền quản lý và điều hành đất nước.
Như vậy, có thể trả lời ngay rằng, căn
cứ vào lý luận nhà nước và hình thức chính thể, quan điểm “muốn thực sự có dân
chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng”
không có căn cứ khoa học.
Với
quan điểm: “Đa nguyên, đa đảng” có phải là biện pháp duy
nhất để có dân chủ thực sự và phát triển xã hội?
Dân chủ là giá trị của văn minh nhân
loại. Dân chủ gắn liền với mỗi dân tộc, mỗi nhà nước, mỗi thể chế chính trị, thể
hiện giá trị của tự do, công bằng và bình đẳng. Dân chủ gắn với cá nhân thể hiện
giá trị của quyền cơ bản của con người: quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu
cầu hạnh phúc. Dân chủ gắn với các thiết chế chính trị thể hiện chế độ, hình thức
nhà nước, phương pháp lãnh đạo và quản lý xã hội - là tuyên bố của mỗi nhà nước,
mỗi đảng cầm quyền trước nhân dân; dân chủ là động lực, mục tiêu của sự phát
triển trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người. Suy cho
cùng, dân chủ vừa là nguyên tắc, vừa là phương pháp để Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý đất nước hướng đến bảo đảm các quyền và lợi ích cho số đông người dân.
Trong khi đó, “đa nguyên, đa đảng” là
biểu hiện của chế độ chính trị có trong lịch sử phát triển của cả nhà nước tư sản
và không xa rời đối với kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chế độ chính đảng cầm
quyền của chủ nghĩa tư bản thông thường là đa đảng, chế độ một đảng chỉ là ngoại
lệ đặc thù. Chế độ đa đảng tư bản chủ nghĩa chủ yếu có ba loại hình thái: chế độ
một đảng thống trị, cầm quyền lâu dài (Đảng Dân chủ tự do của Nhật Bản); chế độ
hai đảng thống trị, thay nhau cầm quyền (Mỹ: Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa,
Anh: Đảng Bảo thủ và Công Đảng...); chế độ đa đảng thống trị, đa đảng liên minh
cầm quyền (Italia...).
Ở các nước
xã hội chủ nghĩa, về lý luận và thực tế không phủ nhận chế độ đa đảng. C.Mác và
Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã đề cập đến việc Đảng Cộng sản
cần phải liên hợp với các chính đảng công nhân khác, các chính đảng của giai cấp
tiểu tư sản, thậm chí phải liên hợp với cả một bộ phận tiến bộ của giai cấp tư
sản. Sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga cũng không thực hiện chuyên chính một Đảng.
Sau thắng lợi của cách mạng, nước Nga đều do liên minh hai đảng hoặc ba đảng cầm
quyền mà hoàn toàn không phải một đảng cầm quyền. Hiện nay, mặc dù đa số các quốc
gia xã hội chủ nghĩa thực hiện chế độ một đảng cầm quyền, nhưng cũng có những
nước như Trung Quốc đã và đang thực hiện chế độ đa đảng (song ở Trung Quốc thì
Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền). Ở Việt Nam, tháng 8-1945, Đảng ta lãnh đạo
toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày đầu giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc,
Đảng ta đã tuyên bố tự giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu
đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước.
Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có các đảng như Đảng
Dân chủ, Đảng Xã hội, Quốc dân đảng tham gia. Sau này còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã
hội và Đảng Cộng sản, và đến năm 1988, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tuyên bố tự
giải tán. Tuy nhiên, hai đảng này được tổ chức và hoạt động như những đồng minh
chiến lược của Đảng Cộng sản, thừa nhận vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó cho thấy, chế độ đa đảng không phải chỉ tồn tại
trong nhà nước tư sản mà nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng có thể sử dụng hình
thái chính trị này. Song điều quan trọng là duy trì chế độ đa đảng không phải
là con đường duy nhất để có được dân chủ thực sự cho người dân.
Chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng
trong hệ thống chính trị có phát huy được dân chủ hay không phụ thuộc nhiều vào
phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền đó. Thực tế phát triển của mỗi quốc
gia, mỗi nhà nước và phương thức lãnh đạo của đảng sẽ trả lời cho việc bảo đảm
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với bộ máy nhà nước. Bởi lẽ, phương thức lãnh
đạo của đảng (phương thức cầm quyền) sẽ quyết định đến tính duy nhất của đảng
trong việc lãnh đạo đất nước và toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này cần thấy
rằng, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền trong nhà nước tư sản và nhà nước
xã hội chủ nghĩa không giống nhau vì mục tiêu, bản chất giai cấp sở dĩ đã không
giống nhau.
Ở nhà nước
tư sản, trong chính thể quân chủ lập hiến hoặc cộng hòa đại nghị, đảng nào có số
ghế chiếm đa số trong nghị viện thì chủ tịch đảng đó sẽ đồng thời là thủ tướng
nên hiện tượng thủ tướng độc lập ban hành và thực hiện chính sách là phổ biến.
Việc trình chính sách lên nghị viện và được thông qua là dễ dàng vì đa số ghế của
nghị viện thuộc đảng đó. Nếu không, do nghị viện nắm quyền giám sát, có thể bỏ
phiếu bất tín nhiệm dẫn đến thủ tướng và các thành viên của chính phủ phải từ
chức và ngược lại, nghị viện có thể bị giải tán để lại bầu lại nghị viện. Đây
là phương thức lãnh đạo phổ biến dẫn đến sự mất ổn định xã hội lớn cả trong hai
trường hợp nêu trên xảy ra.
Trong khi đó, ở nhà nước xã hội chủ
nghĩa, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định ở đường lối, chủ
trương, công tác tổ chức, cán bộ và biện pháp giáo dục, thuyết phục. Tuy nhiên,
sự đổ vỡ của khối các nước xã hội chủ nghĩa lại chỉ ra rằng, sự không phân biệt
giữa đảng cầm quyền và chính quyền, sự duy trì đảng trị thay cho pháp trị dẫn đến
hiện tượng Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động mang tính
hình thức, còn Bộ Chính trị Trung ương Đảng mới là cơ quan quyền lực nhà nước
cao nhất. Theo đó, sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có nguyên
nhân do phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền còn xa rời thể chế dân chủ xã hội
chủ nghĩa nên việc cả đảng viên và nhân dân từ bỏ thể chế đó đã xảy ra.
Điều này cho thấy dân chủ thực sự được
quyết định bởi phương thức lãnh đạo của đảng, cách thức lãnh đạo nhân dân; nhà
nước thực hiện và duy trì bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa chứ không phụ thuộc
vào thể chế chính trị đó là đa nguyên, đa đảng hay duy nhất một đảng. Bởi nhiều
đảng song không có chính đảng có lý tưởng và mục đích chính trị đúng đắn như Đảng
Cộng sản thì nhiều đảng là vô nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không được bảo
đảm. Ngược lại, một đảng có mục tiêu, có lý tưởng chính trị đúng đắn nhưng
không có phương pháp lãnh đạo đúng đắn, không tự thường xuyên chỉnh đốn đảng
thì lý tưởng của đảng đó chỉ nằm trên giấy.
Chân lý
đó được kiểm nghiệm qua thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình cách mạng. Bằng
năng lực và sự nỗ lực quên mình vì lợi ích chung, Đảng Cộng sản Việt Nam không
chỉ thể hiện là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn thực sự là đội
tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, lãnh đạo nhân dân tiến
hành cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lãnh đạo nhân dân tiến
hành công cuộc đổi mới. Mặc dù có hạn chế, khuyết điểm, song Đảng Cộng sản vẫn
được nhân dân giao phó trách nhiệm ngày càng cao. Thông qua Hiến pháp, nhân dân
không chỉ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội mà còn là sự
giao trách nhiệm cho Đảng. Điều đó cho thấy nguyên lý chủ quyền nhân dân là cơ
sở để nhận diện vai trò của Đảng Cộng sản, nó đòi hỏi sự thống nhất về lợi ích
và ý chí giữa đảng cầm quyền và nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội có
tính hợp pháp, tính chính đáng nên muốn bảo đảm vị thế chính trị đó, Đảng luôn
chú trọng tới đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đây là biện pháp cần thiết
mang tính cấp bách.