Trong thời gian gần
đây, một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ
chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng
tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả
của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước... để phủ nhận nguyên tắc tập trung
dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường
điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”. Đây là những luận điệu
không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích
động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta.
Có thể khẳng định
ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị. Học thuyết
“tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh,
Pháp, Đức và một số nước phương Tây mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần
được nghiên cứu, tham khảo, nhưng không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng
hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của “dân chủ - pháp quyền”, của kiểm
soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng với những lý do sau đây:
Thứ nhất, về phương diện lý luận, “tam quyền phân lập”
là một học thuyết phức tạp, đa chiều, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tư tưởng
“tam quyền phân lập” được các nhà hiền triết đề xướng từ thời La Mã cổ đại,
nhưng với tư cách là một học thuyết, có thể nói nó là sản phẩm của nền dân chủ
phương Tây, gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại sự độc
đoán, chuyên quyền của kiểu tổ chức quyền lực nhà nước phong kiến với toàn bộ
quyền lực nhà nước tập trung vào tay một người là Vua, theo quan niệm Vua là
con trời, thể theo lòng trời mà làm vua, ý vua là pháp luật cao nhất. Có thể
xem, đây là một học thuyết có giá trị về chính trị - kỹ thuật pháp lý rất to
lớn trong tổ chức quyền lực nhà nước. Bởi, hạt nhân hợp lý nhất của học thuyết
này, là khi quan niệm quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay
một cơ quan mà được cấu thành từ ba quyền cơ bản lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Ba quyền được giao cho các cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc
lập tương đối với nhau. Giữa ba quyền này có sự kiểm soát, đối trọng lẫn nhau.
Với quan niệm đó, học thuyết phân quyền là sự phủ định biện chứng đối với các
nhà nước chuyên chế tập quyền.
C.Mác và Ph.Ăngghen
khi nêu ra mặt tiến bộ của học thuyết về “tam quyền phân lập” đã nhấn mạnh
rằng, sự phân chia quyền lực, thực chất, không phải là cái gì khác ngoài sự
phân công lao động thực tế cơ cấu nhà nước nhằm làm đơn giản hóa và dễ kiểm
soát. Ph.Ăngghen viết: “Sự phân quyền... trên thực tế chỉ là một sự phân công
lao động tầm thường trong công nghiệp, được vận dụng vào bộ máy nhà nước nhằm
mục đích đơn giản hóa và kiểm soát”. Dựa trên quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen
về sự cần thiết của việc phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong
hiến pháp, nhiều nhà triết học, nhà tư tưởng đã có chung quan điểm: Sự phân
chia quyền lực là hệ thống các chế định pháp luật - nhà nước hướng tới bảo đảm
các phương tiện pháp lý có sự độc lập tương đối của các cơ quan nhà nước với
nhau.
Thứ hai, về phương diện thực tiễn, do những hạn chế
của học thuyết “tam quyền phân lập” mà mức độ, tính chất và đặc điểm của sự thể
hiện và áp dụng nó trong thực tế có sự khác nhau ở mỗi kiểu nhà nước, phụ thuộc
vào nhiều yếu tố, như trình độ dân chủ, truyền thống dân tộc, cũng như tình
hình chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Sự áp dụng học thuyết này trong
nhà nước theo chính thể cộng hòa tổng thống khác với chính thể cộng hòa đại
nghị hoặc chính thể cộng hòa hỗn hợp...; trong hình thức cấu trúc nhà nước liên
bang khác với hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất.
Dựa trên học thuyết
“tam quyền phân lập”, hơn hai thế kỷ nay, các nhà nước tư sản phương Tây đã tổ
chức quyền lực nhà nước của mình. Tuy nhiên, việc vận dụng học thuyết đó là hết
sức đa dạng, muôn màu, muôn vẻ, không có nước nào giống nước nào. Cũng phân
chia quyền lực nhà nước thành lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng nhiệm vụ và
quyền hạn cũng như cách thức tổ chức mỗi quyền thì ở các nước khác nhau quy
định rất khác nhau. Có nước thì phân quyền cứng rắn theo chính thể cộng hòa
tổng thống (như nước Mỹ); có nước thì phân quyền mềm dẻo theo chính thể Cộng
hòa đại nghị (như Liên bang Đức) hay chính thể quân chủ Lập hiến (như Vương
quốc Anh); ngược lại, có nước phân quyền lưỡng tính theo chính thể Cộng hòa
lưỡng tính (như Cộng hòa Pháp). Cũng tổ chức quyền lực nhà nước gồm ba quyền,
nhưng có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp không có sự độc lập, đối
trọng chế ước lẫn nhau (như nước Anh) mà dựa vào phe đối lập thiểu số trong
Nghị viện. Có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp lại độc lập, kiềm chế
và đối trọng một cách cứng rắn (như nước Mỹ); có nước kiềm chế đối trọng một
cách mềm dẻo giữa các quyền (như ở Đức). Việc vận dụng học thuyết tam quyền
phân lập vào tổ chức quyền lực nhà nước ở các nước tư sản là rất khác nhau. Bởi
tổ chức quyền lực nhà nước về phương diện chính trị và kỹ thuật pháp lý, phụ
thuộc vào rất nhiều yếu tố từ tương quan lực lượng giữa các giai cấp, nhất là
trong nội bộ của giai cấp cầm quyền, từ đặc thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở
trong nước và trên trường quốc tế, tư tưởng lập hiến của những người đương
thời,… Tất cả các yếu tố đó đều là những nhân tố chi phối và ảnh hưởng đến việc
vận dụng học thuyết phân quyền, trong tổ chức quyền lực nhà nước của mỗi nước.
Vì thế, không thể nói phân quyền theo nước này thì tốt nước kia thì không tốt,
theo mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không có dân chủ. Vì thế,
tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình phân quyền của nước
này cho nước kia; đòi hỏi tổ chức quyền lực nhà nước của nước này phải giống
nước kia mới có dân chủ và nhân quyền như một số người mong muốn.
Thứ ba, về bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà
nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về
nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Khi
quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thì về nguyên tắc, quyền
lực nhà nước không thể phân chia (chia sẻ cho cá nhân hay tổ chức nào khác);
các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là
thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền. Tư tưởng phân quyền, về
bản chất, đối lập với tư tưởng thống nhất quyền lực. G.G.Rútxô phủ nhận sự phân
chia quyền lực về mặt chính trị - xã hội và cho rằng, quyền lực cần phải bắt
nguồn từ nhân dân. Nói đúng hơn, đó không phải là sự phân chia quyền lực, mà là
sự phân công chức năng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước thống nhất.
Quyền lực nhà nước
vốn dĩ là một chỉnh thể, bao gồm các bộ phận cấu thành quan hệ hữu cơ với nhau
và với toàn bộ quyền lực nhà nước, không thể phân tách độc lập và yêu cầu các
quyền chế ước, kiểm soát “tuyệt đối” lẫn nhau được. Trên thực tiễn, quyền lực
nhà nước tư sản dù có cố tổ chức theo tam quyền phân lập, nhưng thực chất vẫn
là thống nhất, không tách rời. Vì thế, những cố gắng phân quyền trong các hiến
pháp tư sản đã bị phá sản trong thực tiễn; tư tưởng của những người “sáng lập”
ra nó cũng trở nên vô ích.
Ở Việt Nam, tổ chức
quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, không phân lập, nhưng
có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thể chế hóa Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển
năm 2011), Điều 2 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân
dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ;
tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai
cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là
thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc
thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà
nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các
cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là
một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền
lực nhà nước của Nhân dân được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất
quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Tổ chức quyền lực của bộ
máy nhà nước ta dựa trên quan điểm về sự thống nhất quyền lực: “Tất cả
quyền lực thuộc về nhân dân” của tư tưởng dân chủ XHCN.
Nguyên lý này không
những được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta mà hầu hết các nước có
chế độ chính trị dân chủ và pháp quyền trên thế giới. Theo đó, nhân dân thực
hiện quyền dân chủ đại diện bằng cách trao một phần quyền lực nhà nước của mình
cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho cơ quan tư pháp, đồng thời giữ lại một phần
quyền lực của mình để thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp. Hiến pháp 2013
khẳng định rõ nguyên tắc phân công phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà
nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp khi quy định: Quốc hội là
cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp,
quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt
động của Nhà nước; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của
Quốc hội; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,
thực hiện quyền tư pháp.
Thực tế ở nước ta chỉ
ra rằng, quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có
chung một nguồn gốc thống nhất là Nhân dân, đều do Nhân dân ủy quyền, giao
quyền. Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất trước tiên là sự thống
nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau
nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một xã hội
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta đã chỉ ra.
Quan niệm quyền lực
nhà nước là thống nhất nói trên là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao
trách nhiệm trước Nhân dân, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại trong việc thực hiện
quyền hạn và nhiệm vụ mà Nhân dân đã ủy quyền. Đó cũng là cơ sở để không có chỗ
cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các
quyền, nhất là giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ngược lại, sự phân công,
phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp là: phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại
hình cơ quan nhà nước, nhờ đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà
nước được nâng cao; tránh sự trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan
trong việc thực hiện ba quyền với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ
quan, bảo đảm sự vận hành nhịp nhàng, đồng bộ của cả bộ máy nhà nước trong quá
trình thực thi quyền lực nhà nước thống nhất. Đồng thời, đó cũng là điều kiện
để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt
động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên
ngoài là Nhân dân.
Từ những cơ sở lý
luận khoa học và thực tiễn như đã phân tích ở trên, chúng ta khẳng định rằng:
“tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên
thế giới, nhưng không phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, bởi lẽ việc
thực hiện quyền lực nhà nước theo phương thức nào là phụ thuộc vào thể chế
chính trị của mỗi quốc gia. Ở nước ta, Nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính
trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ
có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của Nhân dân, chứ không
thể phân chia. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo
đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại
diện. Thực tiễn và kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi cũng như việc học hỏi, tham
khảo kinh nghiệm của các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế đã cho thấy,
tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối đổi mới, lựa chọn
mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không “tam
quyền phân lập” mà thống nhất quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,
quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hơp và kiểm soát giữ các
cơ quan nhà nước trong viêc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp
là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
không nghe kẻ địch nói
Trả lờiXóa