Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị của
Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua để lại
dấu ấn sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, bốn bài học mà Tổng Bí thư nêu ra là sự chắt lọc, kết
tinh từ thực tiễn đất nước, có ý nghĩa rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều
hành đối với cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện thắng
lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức lớn với những diễn biến
phức tạp hơn dự báo và có lĩnh vực khả năng còn khó khăn hơn nhiều trong năm
2023. Trong bối cảnh ấy, theo nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam là điểm
sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn
thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư cho rằng cần tiếp tục kế
thừa, phát huy ba bài học đã được rút ra trước đây, đồng thời bổ sung thêm một
bài học mới, đó là nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, chủ động nắm chắc tình
hình, xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh,...
Đoàn kết thống nhất, bài học xuyên suốt mọi thời đại
Đây là một trong những bài học mang giá trị lịch sử, xuyên suốt
quá trình dựng nước, giữ nước; quá trình đấu tranh cách mạng và thực hiện công
cuộc đổi mới đất nước của Đảng và dân tộc ta được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều
lần trong các sự kiện chính trị quan trọng, hay các hội nghị toàn quốc quán
triệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị gần đây.
Tại Hội nghị Chính phủ lần này, thêm một lần nữa, Tổng Bí thư
nhấn mạnh bài học này: Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu,
chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền
hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Đây không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất mà còn là bài học về ý chí,
hành động phải triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các
ngành và nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện các quyết sách
của Đảng.
Không phải ngẫu nhiên, những câu nói ấy được Tổng Bí thư nhiều
lần nhắc đến trong các bài phát biểu. Đó là nhận thức của quá trình tổng kết lý
luận và thực tiễn, là tư duy và tầm nhìn của Đảng ta gần 93 năm qua. Tại hội
nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng, ngày 16/8/2021, Tổng Bí thư phân tích rất sâu bài học quý
này và cho rằng, đoàn kết là giá trị cốt lõi; đại đoàn kết toàn dân tộc là
đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực to lớn làm nên những
thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Nhờ vận dụng và thực hiện sáng tạo bài học có ý nghĩa lịch sử
ấy, giữa bao khó khăn, thách thức của năm vừa qua, như đại dịch Coivd-19, xung
đột Nga-Ucraina kéo dài, toàn Đảng, toàn dân ta đã chung sức, đồng lòng thực
hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng,
chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,
xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
sâu rộng và hiệu quả.
Kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn
nhiều so kế hoạch 6% đến 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và
trên thế giới. Nhìn lại thực tiễn đó, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ
tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành
công, đại thành công”. Lời dạy ấy đã trở thành chân lý.
Đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa
Thành tựu đạt được trong năm 2022 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ
đường lối đổi mới đất nước đúng đắn của Đảng ta. Nhưng Tổng Bí thư cũng lưu ý
trong bài phát biểu, tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những
kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với
nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt,
mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay.
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc
thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong khi đó, dự báo tình hình quốc
tế và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định.
Như một lẽ tự nhiên, càng đi vào đổi mới, hội nhập quốc tế sâu
rộng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước càng phải đối mặt với không
ít khó khăn, thách thức từ tác động bên ngoài và từ chính những vấn đề nội tại
của đất nước. Bên cạnh việc cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế là cạnh
tranh thương mại tiếp tục gay gắt; sự biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,
an ninh phi truyền thống diễn biến khó lường...
Khó khăn thách thức ngay từ khi dự báo tình hình - điều mà chúng
ta đã phải quyết liệt ứng phó trong hai vừa năm qua. Chính vì thế, Tổng Bí thư
đã bổ sung đây là một bài học quan trọng: “Nâng cao hơn nữa năng lực phân tích,
dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời,
quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; làm việc nào dứt điểm việc đó, không
để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình
huống mới phát sinh”.
Nhờ đoàn kết, thống nhất mà chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn
để xây dựng đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay. Bài học không bao giờ quên là đã đoàn kết thì trong khó khăn càng phải
đoàn kết hơn bao giờ hết. Đoàn kết để thống nhất khi đánh giá tình hình đất
nước, cái gì làm tốt thì phát huy, đâu là tồn tại, yếu kém, cùng tìm cách khắc
phục, tuyệt đối không được “cua cậy càng, cá cậy vây” như Tổng Bí thư nhiều lần
nhắc nhở.
Trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường, khó dự báo như hiện
nay càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, hội tụ trí tuệ tập thể, phân tích,
nhận định tình hình sát thực tế để có giải pháp hiệu quả. Mỗi khi gặp khó khăn
càng phải đoàn kết, thống nhất mới vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào
đồng chí, đồng đội và nhân dân. Từ đó để thống nhất ý chí và hành động vì sự
nghiệp chung. Đây là bài học từ lịch sử và cũng là đòi hỏi từ thực tiễn hiện
nay, nhất là khi giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.
Theo Tổng Bí thư, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
thì trước hết phải đoàn kết trong Đảng; đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là
tiền đề nâng cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm qua, nhờ đoàn kết trong Đảng, chúng ta đã phát huy
được sức mạnh đoàn kết trong nhân dân; tranh thủ được sự đồng thuận, đồng tình,
ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí
lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên
sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã
hội.
Muốn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, không thể không chăm lo
làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; đặc biệt là hệ
thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.
Trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết loại bỏ những người vướng vào tham nhũng, hư
hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; khuyến khích, bảo vệ những
người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,...
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là định
hướng hành động cho Chính phủ mà còn mang đến cho cấp ủy, chính quyền các cấp
và cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiều thông tin quan trọng, củng cố niềm tin vào
Đảng, Nhà nước, đã đoàn kết, đoàn kết hơn nữa “Trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang
thông suốt” hiện thực hóa nghị quyết của Đảng.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa