Cách mạng Tháng Tám thành
công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, nhân dân ta được hưởng tự do và
làm chủ vận mệnh của đất nước. Đó là điều kiện thuận lợi căn bản nhất để nhân
dân ta thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng, từ cuối năm 1945 đến cuối năm
1946, nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất: nạn đói, nạn dốt, giặc
ngoài, thù trong, mà nghiêm trọng nhất là sự hiện diện của gần 30 vạn quân
Trung Hoa Dân quốc và các nước đế quốc dưới danh nghĩa Đồng minh, chiếm đóng
các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương cùng dồn
dập kéo tới. Bọn ở gần, bọn ở xa. Chúng khác nhau về màu da, tiếng nói, nhưng
rất giống nhau ở một dã tâm: muốn thôn tính nước ta, muốn đẩy chúng ta trở về
với cuộc sống nô lệ”.
Bất kể một cuộc cách
mạng nào vừa thành công cũng đều gặp nhiều khó khăn, nhưng hoàn cảnh nước ta
lúc đó, những khó khăn, thách thức là đặc biệt nghiêm trọng: chính quyền cách
mạng còn non trẻ chưa được củng cố, mặt trận đoàn kết toàn dân chưa rộng khắp,
lực lượng vũ trang còn ít ỏi và non yếu về nhiều mặt; đất nước bị đế quốc bao
vây bốn phía. Sự mất còn của cách mạng, của nền độc lập, thống nhất quốc gia
đặt ra một cách trực tiếp, tình thế đất nước tựa như “ngàn cân treo trên sợi
tóc”.
Xuất phát từ nguyện
vọng chính đáng của nhân dân ta là: đất nước được hoà bình, ổn định để tập
trung tài lực vào xây dựng cuộc sống mới; từ đánh giá âm mưu của các thế lực đế
quốc và căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng lúc đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã xác định chủ trương lãnh đạo cách mạng là phải có chiến lược và
sách lược đúng đắn, vừa kiên quyết đấu tranh để giữ vững nền độc lập, thống
nhất quốc gia, vừa nhân nhượng, hòa hoãn với kẻ thù để tránh cùng một lúc phải
đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai miền đất nước (với quân Trung Hoa Dân
quốc và quân Pháp), hoặc một cuộc chiến tranh quy mô cả nước với thực dân Pháp;
đồng thời, tranh thủ thời gian, khắc phục khó khăn, xây dựng thực lực cách
mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Cuối năm 1945, đầu
năm 1946, chúng ta thực hiện sách lược “Hoa - Việt thân thiện”, hoà hoãn với
Trung Hoa Dân quốc và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách để tránh một cuộc xung
đột quân sự lớn ở miền Bắc, tập trung đấu tranh chống thực dân Pháp đang gây
chiến tranh ở miền Nam. Đầu năm 1946, bọn đế quốc thoả thuận để cho Pháp độc
chiếm Đông Dương. Trước tình hình mới, ta lại thực hiện sách lược “hoà để
tiến”, hoà hoãn với thực dân Pháp bằng Hiệp định Sơ bộ, cuộc đàm
phán tại Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hội nghị chính thức ở Phông-ten-nơ-bờ-lô, Tạm
ước 14-9-1946 để đuổi quân Trung Hoa Dân quốc về nước và cố gắng giải
quyết cuộc xung đột Pháp - Việt bằng biện pháp hoà bình, chí ít cũng trì hoãn
cuộc chiến tranh để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng cho toàn quốc kháng
chiến. Sau khi thấy con bài “ngoại giao pháo hạm”, dùng thủ đoạn đàm phán trên
thế mạnh không khuất phục được Chính phủ và nhân dân Việt Nam, giới cầm quyền
hiếu chiến Pháp đã quyết tâm dùng vũ lực, nhằm cướp nước ta một lần nữa. Ta
càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới; chúng liên tiếp vi phạm các điều
khoản đã được ký kết tại Hiệp định Sơ bộ, thực hành tiến công và tàn sát nhân
dân ta hết sức dã man. Ngày 18-12-1946, Pháp đã chuyển cho Chính phủ ta bức tối
hậu thư: đòi ta phá bỏ những vật chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do
đi lại; trao cho chúng quyền giữ trật tự trị an ở Hà Nội; để quân Pháp đến
chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong Thành phố… Trước tình hình đó, Đảng ta
khẳng định: “Sự thật đã chứng minh rằng, thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn.
Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm
ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến
chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”. Hội nghị Ban
Thường vụ Trung ương Đảng đã họp (ngày 18-12-1946) tại làng Vạn Phúc (nay thuộc
phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hoà hoãn đã hết và quyết định phát
động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ
và ngay trong đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng
chiến”, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề
đứng lên đánh quân xâm lược, giữ gìn đất nước.
Mở đầu Lời kêu gọi,
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thiện chí hoà bình của Việt Nam, nhưng bị phía Pháp
khước từ và họ quyết chọn con đường vũ trang xâm lược: “Chúng ta muốn hoà bình,
chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng
lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Người khẳng
định rõ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Không! Chúng ta thà hy
sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô
lệ”.Khi Tổ quốc lâm nguy, Người kêu gọi các giới đồng bào cả nước bằng vũ khí
và mọi loại dụng cụ có thể dùng làm vũ khí, nhất tề đứng lên đánh giặc: “Bất kỳ
đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái,
dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ
quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc,
thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Mục
đích cuộc kháng chiến là “Việt Nam độc lập và thống nhất…”. Kết thúc Lời
kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Người truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân,
toàn quân ta “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Việt Nam là một nước
sớm dựng nền độc lập, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc
nên ý chí tự lực tự cường, anh hùng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại
xâm. Nhiều thế lực xâm lược lớn mạnh, hung bạo hàng đầu thế giới từng xâm lược
và thống trị nước ta, nhưng chúng đều bị nhân dân ta đánh bại. Cuối thế kỷ XIX,
thực dân Pháp, với sức mạnh của một nước tư bản đế quốc, lại lợi dụng được thời
điểm thế và lực nước ta đang yếu, chúng đã xâm lược và đặt ách thống trị trên
đất nước ta. Nhân dân ta đã nhiều lần nổi dậy đánh thực dân Pháp để giành quyền
độc lập. Người trước ngã, người sau tiếp bước, “bao giờ người Tây nhổ hết cỏ
nước Nam, mới hết người nước Nam đánh Tây” như lời khẳng định của Nguyễn Trung
Trực. Trải qua bao cuộc đấu tranh quyết liệt, đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng
Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta đã khôi phục được nền độc lập, thống nhất
Tổ quốc.
Trong bản Tuyên ngôn
độc lập ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên
bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền
hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân
tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để
giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Lời kêu gọi Toàn quốc
kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục tinh thần Nam quốc
sơn hà Nam Đế cư của tổ tiên ta thủa trước; là sự thể hiện ý chí quyết
tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia. Đó là lời của Tổ quốc, của dân tộc
thiết tha kêu gọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ nước; đồng thời, cũng là lời
tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước về ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt
Nam.
Đáp Lời kêu gọi của
lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình
tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh” mãi mãi là biểu
tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều sẵn sàng hy
sinh tất cả vì Tổ quốc. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi
cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta, đã minh chứng cho điều
khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “thắng
lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi Toàn quốc
kháng chiến cách đây đã 70 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị
lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi
thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người
Việt Nam.
Hiện nay, trên thế
giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn
nhiều bất trắc khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông
Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất
ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Ở trong nước, những
thành tựu, kinh nghiệm 30 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, sức mạnh tổng
hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước
nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp.
Đảng ta xác định nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam XHCN là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả
hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ
quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ
XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn,
làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn
sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu,
không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Để có thể động
viên và phát huy sức mạnh khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc như trong công
cuộc chống ngoại xâm trước đây vào việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng hiện nay,
chúng ta cần coi trọng giáo dục sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường
của toàn dân; đồng thời, phải thực sự xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó có
các hình thức và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực
hoạt động: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,…; mọi cán bộ, đảng viên, công
chức phải thực sự là “công bộc” của dân. Mọi hoạt động của tổ chức đảng và
chính quyền nhà nước phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên
hết. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được động lực to lớn để toàn dân phát huy
mọi tiềm lực vật chất và tinh thần trong sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là cơ sở vững chắc để ngăn
chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống
phá cách mạng Việt Nam.
“Lời kêu gọi Toàn
quốc kháng chiến” đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là
lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm
lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một
dân tộc hơn 90 triệu người, với ý chí, quyết tâm thà hy sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, chúng ta
có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược,
bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới.