Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” - Bài học còn vẹn nguyên giá trị

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi lần trước họa ngoại xâm, toàn thể quốc dân đồng bào đã nhất tề đứng dậy chống giặc cứu nước, bảo vệ bờ cõi sơn hà trước lời hiệu triệu sục sôi hào khí “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”,… khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946- ngày toàn quốc kháng chiến, đó là một dấu ấn đặc biệt, thể hiện tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ tối cao trong những thời đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc và để lại nhiều bài học quý báu cho hôm nay và mai sau..
          Sau 9 năm thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng, nếm mật nằm gai, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng - chí không mòn, đã làm nên một “Điện Biên lịch sử - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Một nửa nước được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước thắng lợi sau này.
          Đã gần bảy thập kỷ trôi qua kể từ ngày mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, những dấu tích của những năm tháng hào hùng đó có thể bị bào mòn bởi thời gian, nhưng âm hưởng, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử để lại trên mảnh đất này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, rất cần chắt lọc, vận dụng một cách sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay và mai sau:
          Thứ nhất, đó là bài học về quyết định thời điểm phát động cuộc kháng chiến toàn quốc đúng lúc, đúng thời cơ. Khi không còn đường nào khác, khi không còn một chút hy vọng nào cứu vãn nền hoà bình do dã tâm xâm lược của kẻ thù thì chúng ta phải chủ động đứng lên chống lại chúng. Do vậy, phải luôn tranh thủ thời gian, chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt và khi đã hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến thì phải chủ động, kiên quyết tấn công kẻ thù, ngăn chặn từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn mọi mưu đồ xâm lược của chúng. Thực tế đã minh chứng, khi chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và ra Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vào thời điểm chín muồi nhất, đúng lúc, đúng thời cơ nhất, do đó đã đem lại kết quả to lớn, tránh tổn thất cho ta, giảm sức mạnh của địch.
          Thứ hai, đó là bài học về quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do. Nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam là bất khả xâm phạm. Trách nhiệm của mỗi con dân đất Việt là phải giữ vững nền độc lập, tự do ấy. Do đó, khi phải đối mặt với một kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần là thực dân Pháp, cho dù tình thế đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thì chúng ta luôn luôn phải giữ vững quyết tâm sắt đá để bảo vệ nền độc lập, tự do. Bài học đó được khơi nguồn từ dặm dài lịch sử, được phát huy cao độ trong những ngày “Toàn quốc kháng chiến”, trải dài cùng dòng chảy thời gian nó vẫn mang tính lí luận và thực tiễn sâu sắc.
          Thứ ba, đó là bài học về sớm hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo. Để có quyết định kháng chiến toàn quốc kịp thời đúng lúc, thì trước đó, từ ngày 5/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” nêu rõ chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc và đường lối trường kỳ kháng chiến. Ngày 12/12/1946, một tuần trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra bản chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, nêu ra mục đích cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta; nêu rõ: tính chất, chính sách, cách đánh, chương trình, kháng chiến, cơ quan chỉ đạo kháng chiến, những điều răn trong khi kháng chiến, các khẩu hiệu chỉ đạo hành động trong kháng chiến,... Chính đường lối kháng chiến đúng đắn của Trung ương Đảng đã khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc, khai thác động viên được sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc Việt Nam.

          Có thể nói, quyết định phát động “Toàn quốc kháng chiến” đúng lúc, đúng thời điểm không chỉ hạn chế được sức mạnh của kẻ thù mà còn phát huy được thế mạnh kháng chiến của ta. Nhờ có chủ trương này, chúng ta đã kìm được chân địch ở lại thành phố trong một thời gian khá dài, tạo điều kiện cho các các cơ quan của Trung ương, Chính phủ và các tổ chức di chuyển lên Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài. Năm tháng qua đi, đất nước có biết bao đổi thay, nhưng giá trị to lớn của Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vẫn mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta “quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...