Trong lịch sử thế giới đương đại, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt như
quan hệ Việt Nam – Cuba. Hơn nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm trôi qua, mối quan hệ thủy chung
gắn bó giữa hai người anh em, một ở Tây bán cầu, một ở Đông bán cầu vẫn ngày
một bền chặt, sâu sắc và nồng ấm hơn. Mối quan hệ của Việt Nam và Cuba là biểu
tượng của thời đại và là tài sản vô giá mà Đảng và Nhân dân hai nước đã xây
dựng và gìn giữ từ những ngày còn chiến tranh gian khổ, đến thời đại hòa bình,
độc lập. Và mới đây, trong chuyến công du tới Cuba của Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng vừa qua, người đứng đầu Đảng đã trao món quà của người Việt cho người anh
em nghĩa tình Cuba đó chính là, chính thức xóa nợ.
Cuba hiện nay được biết đến với cương
vị là một đất nước đang nỗ lực phát triển sau 53 năm bị Mỹ bao vây cấm vận. Và
không thể phủ nhận đất nước Cuba vẫn còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng có lẽ
rất ít thế hệ trẻ, những người may mắn sống trong thời bình, khi sinh ra 2 chữ
thống nhất đã được viết tròn vành biết được rằng, Việt Nam không hề đơn độc
trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, vì luôn có những người anh em đồng hành, trong
đó có Cuba. Mối quan hệ Việt Nam – Cuba tốt đẹp tới mức mà trong giai đoạn cuộc
chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, người anh hùng dân tộc của Cuba – Fidel
Castro đã là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải
phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc.
Nếu xét chỉ về tình
nghĩa thì rõ ràng, chúng ta nợ Cuba một ân tình quá lớn trong giai đoạn khó
khăn nhất để giành độc lập của đất nước. Cuba đã có những hành động không tiền
nào mua được như gửi máu, thuốc kháng sinh và bác sĩ sang chiến trường miền Nam
Việt Nam. Cuba cũng là một trong những nước tích cực vận động cho Việt Nam gia
nhập Liên hiệp quốc, bỏ phiếu chống lại cấm vận Việt Nam do Mỹ và Trung Quốc
phát động. Nên nhớ rằng, tình cảm và sự ủng hộ của Cuba dành cho nhân dân Việt
Nam còn nhiều hơn cả xóa nợ.
Rõ ràng, việc xóa nợ
cũng giống như hành động “đền ơn đáp nghĩa” “ơn ai một chút chẳng quên”, mà
người Việt đã xây dựng, đúc kết vào ca dao, tục ngữ, trở thành nét văn hóa dân
tộc. Đây là truyền thống bao đời nay của người Việt ta, thể hiện tình hữu nghị
và sự biết ơn của Việt Nam đối với sự giúp đỡ của Cuba và giúp Cuba vượt qua
tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Thực chất, thì việc xóa nợ cũng là một
bước tiến để cả 2 nước cùng nhau xóa tan đi khoảng cách “bên chủ – bên nợ”, một
hình ảnh mà lẽ ra không bao giờ có trong mối quan hệ giữa 2 nước này. Việt Nam
cũng khuyên Cuba cải cách kinh tế từ lâu rồi, từ thời nguyên Thủ tướng Võ Văn
Kiệt và chắc chắn giữa Việt Nam và Cuba thì hoàn toàn không có chuyện đặt điều
kiện trong việc cho vay hay xóa nợ.
Hơn nữa, Việt Nam đã nhận trợ cấp kể từ
1945 tới nay, từ lương thực thực phẩm, thuốc men y tế; từ lĩnh vực dân sự tới
lĩnh vực quốc phòng. Ai trong chúng ta ngồi đây không từng ăn mì ép, bo bo, bột
mì tới sử dụng những công trình từ nguồn viện trợ. Mới đây nhất Việt Nam nhận
viện trợ gạo từ Nam Hàn. Thế nên, sẽ chẳng ngạc nhiên khi Việt Nam, viện trợ
hoặc giúp đỡ các quốc gia nghèo khó hơn, châu Phi chẳng hạn. Việt Nam chúng ta
hiện tại đã có mức tăng trưởng kinh tế ổn định thế thì tại sao không giang tay
giúp đỡ những người anh em còn đang nghèo đói, miếng ăn còn phải lo nghĩ nhiều.
Chẳng lẽ cứ mãi nhận mà không muốn cho đi. Còn những kẻ bo bo, ích kỉ, xuyên
tạc mới có tư tưởng rằng, Việt Nam đã nghèo mà còn “chơi sang”.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta cũng được
nhiều nước xóa nợ và không chỉ có Việt Nam mới xóa nợ cho Cuba. Rõ ràng, đây là
một hành động hợp với quan hệ ngoại giao các nước trên thế giới và nó là minh
chứng bước đi của thời đại. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ nợ cho Cuba cũng nằm trong
sự mềm dẻo về chiến lược ngoại giao của Việt Nam ta mà người đứng đầu Đảng đã khéo
léo chuyển thể. Việc tin tưởng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước cả khi
thời chiến lẫn thời bình là chiến lược ngoại giao mà Việt Nam ta đã áp dụng từ
ngàn đời nay. Và đó là cũng là một phần lý do vì sao, Việt Nam một đất nước nhỏ
bé nhưng vẫn kiên cường bất khuất chống lại những kẻ thù xâm lược hung hãn. Và
cần được nhấn mạnh, đây không phải là quyết định mang tính bột phát cá nhân mà
phải có sự bàn bạc trước chuyến đi. Chẳng ai có thể tự ý quyết định một vấn đề
ngoại giao mà không được sự thống nhất của tất cả mọi người.
Việc xóa nợ không
những khẳng định được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà nó
còn khẳng định được tinh thần trọng nghĩa khía, trọng ân tình – truyền thống
tốt đẹp bao đời nay của thế hệ con cháu Lạc Hồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét