Kinh tế Việt Nam năm 2021 diễn ra trong bối cảnh
dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã
ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế
giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, bên cạnh dịch Covid-19 diễn biến phức
tạp, khó lường đã làm cho tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại,
sự đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và
xuất, nhập khẩu.
Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tinh thần đoàn kết
toàn dân tộc cùng với việc kiên định thực hiện giải pháp 5K và sự lãnh đạo, điều
hành linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Chính phủ trong chiến lược vaccine là chìa
khoá giúp kinh tế Việt Nam cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới. Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa
phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch, đảm bảo
sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế đất nước.
Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài
nước, kết thúc năm 2021, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống
Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%. Mặc dù tăng trưởng GDP cả
năm thấp hơn nhiều so mục tiêu đề ra nhưng một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn
đạt mức tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực vượt khó của người dân, cộng
đồng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác. Đây là kết quả đáng khích lệ
trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng có dấu hiệu chậm lại do sự
xuất hiện các biến chủng mới; lạm phát toàn cầu tăng cao; đại dịch đã gây tắc
nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất. Trong bối
cảnh dịch Covid-19 năm 2021 diễn biến càng phức tạp hơn , ảnh hưởng tiêu cực tới
mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức
tăng trưởng dương trên thế giới. Điều đó một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí
tuệ và nỗ lực lớn lao của Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch covid-19 và
phát triển kinh tế.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định chính là
điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Thành công trong
điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ là lạm phát được kiểm soát,
chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao; các cân đối lớn của
nền kinh tế được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước đã hoàn thành chỉ tiêu cả
năm. Số thu của các tháng cuối năm càng khả quan là do việc thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 giúp hoạt động sản xuất kinh
doanh dần phục hồi. Bội chi ngân sách trong phạm vi dự toán.
Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ
ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố. Việc phối hợp hài hòa
trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ là yếu tố quan trọng giúp lạm phát
được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng
trở lại là một chỉ dấu cho thấy mức tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế vào
môi trường kinh doanh Việt Nam. Bất chấp những khó khăn do tác động của đại
dịch Covid-19, nhiều dự án lớn vẫn được thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ người dân và
doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 tiếp tục được ban hành
mới và đẩy mạnh thực thi một cách có hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp quay lại thị
trường rất cao. Những tháng cuối năm, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh
nghiệp quay lại sản xuất bật tăng cao, thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh
nghiệp vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Vượt lên những khó khăn do đứt
gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, thiếu nguyên vật liệu, biến động về nguồn nhân
lực… , các doanh nghiệp đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để nối lại sản xuất,
đặc biệt là khu vực sản xuất để xuất khẩu.
Nhờ đó, cán cân thương mại đã đảo chiều ngoạn mục
trong những tháng cuối năm và kết thúc ở mức thặng dư thương mại 4 tỷ USD, giữ
vững vị thế xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền
kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều
hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của
toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng
của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa
phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Sự chuyển hướng chính
sách linh hoạt, kịp thời đã góp phần củng cố niềm tin của toàn xã hội vào sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét