Từ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mỹ
nhanh chóng nhảy vào miền Nam, thế chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam
thành thuộc địa kiểu mới. Việt Nam một lần nữa trải qua cuộc chiến tranh trường
kỳ, bền bỉ chống Mỹ để đi tới việc ký kết Hiệp định Pari, ngày 27 tháng 1 năm
1973.
Năm 1968, sau hàng loạt những thất bại
nặng nề của chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến tranh phá hoại ở
miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chính phủ
Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Pari. Hội nghị hai bên ở Pari sau nhiều phiên
họp trong năm 1968 vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho
một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị.
Trong quá trình đấu tranh đó, phái đoàn Việt Nam luôn khẳng định tính chất
chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên
án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam,
hành động phá hoại hiệp định Giơnevơ của Mỹ; đòi Mỹ rút quânvà chư hầu ra khỏi
Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam;
từ bỏ ngụy quân Sài Gòn; đáp ứng lập trường của Việt Nam Dân chủ cộng hoà và
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên
quyết của phái đoàn Việt Nam,cùng vớinhững thất bại nặng nề trên chiến trường
và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu cử Tổng thống, ngày 1/11/1968, Giônxơn
tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam
Dân chủ cộng hoà.
Những thắng lợi quân
sự của ta trong các chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam
Campuchia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên,
Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ… trong năm 1972 đã làm quân Mỹ - nguỵ
bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến
tranh” và tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán.
Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho
Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam”
và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất
trí nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn
Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Đêm 18/12/1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném
bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày
đêm được ví là "Trận Điện Biên Phủ trên không" kết thúc bằng việc 38
pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu
trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của
không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đẩy Mỹ vào thế thua không thể
gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Pari. Trên
tư thế bên chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh
giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thoả thuận.
Cuối
cùng, ngày 22/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30
phút (giờ Pari) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã
được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kitxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/11/973, Hiệp định
chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ
trưởng Ngoại giao các bên.
Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của
cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã
tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cội
nguồn của thắng lợi Hội nghị Pari là tinh thần quyết chiến quyết thắng,
là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do
của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài
tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại
giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc. Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào trong lịch sử cách mạng
Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng
như một dấu son không bao giờ phai mờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét