Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hải Phòng xuất hiện một số
điểm tụ tập đông người tại trụ sở đại diện các ngân hàng SCB liên quan đến trái
phiếu, liên quan đến thuê đất của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có số lao
động đông. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã khẩn trương vào cuộc đối thoại và
chủ trì đối thoại đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có quyền lợi hiểu thêm
pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ người dân. Tuy nhiên bên cạnh
những nhu cầu chính đáng theo quy định pháp luật của nhân dân, một số đối tượng
cơ hội đã lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin ảnh
hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi nghĩa vụ của nhân
dân. Sau đây là một số thông tin về một số thủ đoạn diễn biến hòa bình trên
lĩnh vực kinh tế ở nước ta thời gian qua, cần nhận diện để đấu tranh.
1. Nhận diện một số thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch
chống phá nước ta.
Một là, các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc và xóa bỏ học
thuyết giá trị thặng dư của C. Mác, cho rằng, dưới chế độ XHCN, sản xuất hàng
hóa cũng bóc lột giá trị thặng dư; qua đó nhằm xuyên tạc bản chất nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN mà ta đang xây dựng và phát triển. Đặc biệt, khi Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày
03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; các thế lực thù địch xuyên tạc rằng,
nước ta thừa nhận kinh tế thị trường là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa phát triển; “phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo
để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hóa”, "tự do
hóa” về kinh tế”.
Hai là, lợi dụng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương
hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thông qua các
hoạt động hợp tác, đầu tư… các thế lực thù địch tìm cách từng bước làm biến đổi
cơ sở kinh tế, xã hội của CNXH ở nước ta, gây áp lực đòi Việt Nam phải “tư nhân
hóa” nền kinh tế. Chúng còn cho rằng, Việt Nam cần tự do hóa các nguồn vốn
ngoại tệ, khuyến khích tăng giá đồng nội tệ, nới lỏng chuyển đổi tự do giữa
đồng nội tệ và các ngoại tệ (nhất là với đồng đôla Mỹ); thực hiện đồng bộ các
giải pháp để tự do hóa thị trường tài chính, xây dựng ngân hàng trung ương thực
sự độc lập.
Ba là, thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại, viện trợ kinh
tế… các thế lực thù địch tìm cách tạo ra sự phát triển chênh lệch giữa các
vùng, miền, giữa các ngành kinh tế, từ đó dẫn đến sự mất cân đối của nền kinh
tế quốc dân. Đặc biệt, thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư…, các thế lực
thù địch tìm cách gây sức ép về chính trị, đặt ra những điều kiện ràng buộc
trong quan hệ ngoại giao với nước ta, từ đó hòng can thiệp vào nội bộ của các
cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nước ta.
Bốn là, lợi dụng những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong quá trình
xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nhất
là lợi dụng việc thời gian gần đây, nước ta xử lý nhiều đối tượng tham nhũng,
tiêu cực trong đó có những người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước
để xuyên tạc, từ đó phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kích động
tâm lý hoài nghi trong xã hội; kích động, cổ súy, làm ảnh hưởng đến niềm tin
của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cần xác định rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà
nước ta đang xây dựng là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát
triển của kinh tế thị trường”; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; tiếp thu có
chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Bản chất của nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN của nước ta được xác định là dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư
liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần song kinh tế nhà
nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế
tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học, công
nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân chứ không phải là mục
tiêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới. Để đảm bảo yếu tố định hướng
XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà đặt trong
“khuôn khổ”, đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà
nước Việt Nam.
2. Một số nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng
kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định vị thế, vai trò của chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối xây dựng và phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền
rộng rãi về thành tựu nước ta đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát
triển đất nước sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Qua
đó, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho cuộc đấu tranh, phê phán các quan điểm
sai trái, thù địch chống phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó, làm
cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; nêu cao vai trò tiên phong, gương
mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa
phương; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hòa bình” gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính
chủ động, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên truyền và lý luận nhằm
làm cho cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ bản chất của thông tin xuyên
tạc; từ đó có khả năng nhận diện và “miễn dịch” trước những luận điệu tuyên
truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền kinh tế nước ta.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã
hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách xã
hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu
số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; gắn tăng trưởng kinh tế cao với
thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta
trên trường quốc tế; tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; tiếp
tục tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân,
giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần: “không có vùng cấm, không có ngoại
lệ, bất kể người đó là ai”, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền
lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng đồng bộ, hiệu lực,
hiệu quả, khắc phục sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ,
đảng viên có chức vụ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng
một cách thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm.
Những năm tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta tiếp tục
hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có
hợp tác kinh tế quốc tế. Do vậy, cần tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức,
tận dụng triệt để những thời cơ, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại để xây
dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; đồng thời đấu
tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực
kinh tế của các thế lực thù địch.
phải xử lý nghiêm bọn phản động
Trả lờiXóa