Quân
đội ta từ nhân dân mà ra, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Chặng đường anh hùng trong 78 năm xây
dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tô thắm lịch
sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh
I.
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 78 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Quân
đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục
và rèn luyện. Trải qua 78 năm xây dựng, phát triển đã kế thừa và phát huy
truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng,
ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành.
1.
Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam vai trò nòng cốt trong cuộc Cách mạng
Tháng Tám năm 1945.
Trong
Luận cương Chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định sự tất yếu phải tổ chức ra
quân đội công nông để giành chính quyền. Vì vậy, khi vừa ra đời, trong phong
trào cách mạng 1930-1931, Đảng đã chủ trương thành lập các Đội tự vệ đỏ (xích
đỏ). Những năm 1940-1945, lần lượt các tổ chức vũ trang ra đời như: Đội du kích
Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ, đội Du kích Pắc Bó, Cứu Quốc quân.
Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh vũ trang đòi hỏi phải
có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
cách mạng giải phóng dân tộc. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Tháng 12/1944 Hồ Chí
Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34
chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Ngay sau ngày thành lập, ngày 25/12/1944
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã Chiến thắng trận Phai Khắt, Nà
Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh là chắc thắng, thắng ngay từ trận đầu của
quân đội ta.
Tháng
4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định
thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng
quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác) thành lập Việt Nam Giải phóng
quân; Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa,
Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương phân công đảm nhận cương
vị Tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Dưới
sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, lực lượng vũ
trang đã làm nòng cốt, hỗ trợ cho phông trào nổi dậy của quần chúng Nhân dân
khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam
Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên
thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân
Việt Nam.
2.
Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường
kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
a.
Tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược (1945 -1946)
Cách
mạng Tháng Tám thành công, chính quyền Nhân dân ra đời đã phải đứng trước một
tình thế vô cùng phức tạp, khó khăn. Vừa phải chống “giặc đói”, “giặc dốt” và
các tệ nạn xã hội; vừa phải tập trung chống “giặc ngoại xâm” ngay từ đầu. Ở Nam
Bộ, ngày 23 tháng 9 năm 1945, được quân Anh giúp sức, Thực dân Pháp đã trắng
trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/1945, được Đế quốc Mỹ
làm hậu thuẫn, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành
phố từ vĩ tuyến 16 trở ra.
b.
Tham gia toàn quốc kháng chiến, đánh bại thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ
(1946-1954)
Thực hiện âm mưu tái xâm lược nước ta, Thực dân Pháp thực
hiện âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh; thất bại trong kế hoạch đánh chiếm Hà Nội
trong vòng “một tuần”, ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động hơn 2 vạn quân
tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc,
hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Với quyết
tâm và tinh thần quyết thắng, Quân đội ta đã lập nên Chiến thắng Việt Bắc, làm
phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; Sau chiến dịch Việt Bắc, Thực dân Pháp thực hiện âm mưu
“bình định” đồng bằng Bắc Bộ, cô lập căn cứ địa Việt Bắc, Đảng ta chủ trương
vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa củng cố, xây dựng lực lượng, từng bước
tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn, tạo tiền đề của chiến
tranh chính quy về sau. Cuối năm 1949 đầu năm 1950, trước tình hình thế giới có
nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta,
Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ tích cực chuẩn bị lực lượng để chuyển sang tổng phản
công. Tháng 6/1950, ta mở chiến dịch Biên Giới, tiêu diệt sinh lực địch, giải
phóng một phần biên giới Việt-Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc,
khai thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa.
Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch
Tây Bắc, nối thông được vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và
Thượng Lào. Ta giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng
chiếm đóng của địch.
Trước
những thay đổi trong cục diện chiến tranh ở Đông Dương và trên cơ sở đánh giá
đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, ta mở cuộc
tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Thực hiện tư tưởng tiến công chiến
lược, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng
đất đai rộng lớn, nắm quyền chủ động trên các chiến trường Đông Dương và làm
phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải phân tán
lực lượng đối phó ở khắp nơi. Kế hoạch Na-va từng bước bị phá sản.
Ngày
6/12/1953, ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm,
mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện
chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ
về “đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; bảo vệ
và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám.
3.
Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).
Sau
tháng 7/1954, Quân đội ta là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”. Nhiệm
vụ và phương châm lúc này là: Tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh,
tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Ở miền Nam, để đẩy mạnh đấu tranh
vũ trang, ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải
phóng miền Nam Việt Nam
Từ
năm 1961 đến 1965, Quân đội ta đã cùng đồng bào miền Nam đánh bại chiến lược
“Chiến tranh đặc biệt của Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân
và dân ta bước sang một giai đoạn mới. Từ 1965 đến 1968, Cùng toàn dân đánh bại
chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất
của đế quốc Mỹ
Thất
bại trên chiến trường miền Nam, từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thi hành “Học
thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân và dân ta đã
phối hợp chặt chẽ với Nhân dân Lào và Campuchia chiến đấu, giành được những
thắng lợi to lớn trên chiến trường ba nước Đông Dương trong Xuân - Hè 1971, tạo
ra sự thay đổi quan trọng trong cục diện chiến tranh. Chiến lược “Việt Nam hóa
chiến tranh” của Mỹ bị thất bại một bước nghiêm trọng.
Đầu
năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm
thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và ngụy
quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn. Trước nguy cơ đổ vỡ của quân đội Sài
Gòn, ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải
quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Với tinh thần dũng cảm, bằng cách
đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến
lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại
bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam, buộc đế
quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở
Việt Nam” (27/1/1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu
ra khỏi miền Nam.
Hiệp
định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu chia cắt lâu dài nước
ta. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về chủ trương giải phóng miền Nam,
ngày 4/3/1975, Quân đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên - mở đầu cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công,
giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, từ ngày 14/3 đến ngày 3/4/1975, quân
ta tiến công, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
Ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị - Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng
Trị (19/3); từ ngày 21-25/3/1975, quân ta tiến công, giải phóng thành phố Huế
và tỉnh Thừa Thiên, tiêu diệt và làm tan dã toàn bộ quân địch trên chiến trường
Trị -Thiên. Từ ngày 26- 9/3/1975, quân ta mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, bán
đảo Sơn Trà và thị xã Hội An (29/3), làm thay đổi hẳn cục diện và so sánh thế
trận lực lượng ngày càng có lợi cho ta
Trên
cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở
chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư
tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân
ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ
vòng ngoài của địch. 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối
cùng. Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến
vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc
Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc
tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Trong 2 ngày
30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5, bộ đội chủ lực
và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8 và 9 nắm
thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch,
giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam
của Tổ quốc. Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị
đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5
đời tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ.
4.
Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 -
2022)
Quân
đội nhân dân Việt Nam ra sức bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo
vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và
hải đảo của nước Việt Nam thống nhất. Đồng thời “tích cực tham gia sản xuất,
góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Cùng toàn dân
đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới
phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng
nền nếp chính quy, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Trải
qua 78 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi
mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ
Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên
những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
II.
33 NĂM THỰC HIỆN NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2022)
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng
(khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội
nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội
của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp
“Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại
mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu
nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
33 năm thực
hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan
trọng sau đây: Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc
của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân
dân. Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định
hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự
phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực
thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế
và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được
tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả
năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an
ninh quốc gia, nếu xảy ra. Bốn là, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Năm là, lực lượng vũ trang mà
nòng cốt là Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày
càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ
vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy
niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt
qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh,
xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của
Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách
mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, mỗi người tự
xác định bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây
dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam
cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Quân đội ta thật anh hùng
Trả lờiXóa