Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

NVD40 - Giá trị của nền tư pháp Việt Nam

 

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tư pháp Việt Nam phát triển không ngừng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nền tư pháp Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện phản ánh những giá trị văn minh của nhân loại; uy tín, vị thế của tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp và các chức danh tư pháp ngày càng được nâng cao, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, Tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án, bổ trợ tư pháp được xây dựng, kiện toàn. 

 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 102), “Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” trong cơ chế “quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Việc Hiến định vị trí pháp lý của tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân như trên thể hiện thành công của quá trình cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp hiện đại, hiệu quả với giá trị phổ biến của nền tư pháp là tính độc lập. Trong đó tòa án là một bộ phận quyền lực Nhà nước, giữ vị trí trung tâm, xét xử là trọng tâm. Viện Kiểm sát nhân dân được thiết lập là một hệ thống cơ quan độc lập theo chiều dọc, có nhiệm vụ: “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (khoản 3 Điều 107) và bảo vệ Hiến pháp (Điều 119). Mô hình tổ chức của cơ quan điều tra theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn ; nhiệm vụ của cơ quan điều tra được xác định rõ trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự... Hệ thống cơ quan thi hành án hình sự và thi hành án dân sự được kiện toàn, bảo đảm sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; quyền hạn, trách nhiệm, sự phối hợp của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan khác liên quan đến công tác thi hành án được xác định rõ; số vụ, việc Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi ngày càng tăng, chất lượng bào chữa của các Luật sư trong các vụ án ngày càng được nâng cao, số lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư nhìn chung năm sau tăng hơn năm trước.

Thứ 2, Thủ tục tư pháp không ngừng được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, tránh oan sai, bảo đảm công lý, phản ánh chính sách nhân đạo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Trong đó, các nguyên tắc tranh tụng được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong thực tế; nguyên tắc suy đoán vô tội được Hiến định và cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính sách hình sự ngày càng hoàn thiện đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, giảm khung hình phạt tối đa quá cao, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ, khắc phục tình trạng tội phạm hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển xã hội; hoàn thiện pháp luật dân sự, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, xác lập các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào các quan hệ này; hình thành cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi tốt hơn quyền của các chủ thể trong giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại thúc đẩy các quan hệ phát triển lành mạnh. Công tác xây dựng án lệ được tăng cường, “được chánh án tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ, tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử như xu thế chung của thế giới”.

Thứ ba, Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp luôn được cả Hệ thống chính trị quan tâm. 

Hiện nay, ở Việt Nam đã có lực lượng thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, Luật sư lớn mạnh. Công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên được chú trọng thường xuyên, uy tín của cán bộ tư pháp được nâng lên.

Nền tư pháp được xây dựng ngày càng công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân. Quốc hội đổi mới và tăng cường giám sát hoạt động tư pháp thông qua xét báo cáo, chất vấn, giám sát chuyên đề và tăng cường hoạt động của Ủy ban Tư pháp; tòa án nhân dân thực hiện công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử (trừ những bản án hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực tham gia giám sát các hoạt động tư pháp ; các phương tiện thông tin đại chúng đã chủ động, tích cực hơn trong việc tuyên truyền về hoạt động tư pháp, kịp thời thông tin góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ, việc sai phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp.

Chúng ta có thể khẳng định nền tư pháp Việt Nam đã ngày càng phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nền tư pháp Việt Nam đã chứa đựng và phản ánh đầy đủ giá trị của văn minh nhân loại, công lý, dân chủ và quyền con người đã gắn với bản chất của nền tư pháp và trở thành giá trị cốt lõi, làm nên bản sắc của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...