Trong những năm qua, chính sách, pháp luật Việt Nam bảo
đảm công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan
trọng. Các quy định trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống chính sách, pháp luật
đã vận dụng phù hợp và tương đồng với Công ước quốc tế về các quyền dân sự,
chính trị năm 1996 (Điều 25 – ICCPR) và Luật Nhân quyền quốc tế. Các quy định
này không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa các công dân trong việc hưởng thụ quyền
vì lý do tôn giáo, giới tính, nguồn gốc, dân tộc, thành phần xuất thân.
Các quy định trong Hiến pháp, pháp luật không chỉ bao
quát toàn bộ vấn đề về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, cơ chế bảo đảm
thực hiện quyền này, các hình thức thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và
xã hội của công dân mà còn quy định cụ thể về lĩnh vực công dân tham gia, mức độ
tham gia để công dân lựa chọn, chủ động tham gia. Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng,
chính sách, pháp luật Việt Nam ở một khía cạnh nhất định vẫn còn mang tính
nguyên tắc.
Công dân có quyền quản lí nhà nước và xã hội vì nhà nước
Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, vì vậy việc
tham gia bộ máy quản lý nhà nước nhằm phát huy tích cực quyền làm chủ của mọi
công dân dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, nhà nước đảm bảo công dân thực hiện quyền
dân chủ của mình trên nguyên tắc “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.
Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lí nhà nước và xã hội bằng
cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp có nghĩa là tự mình tham gia các công
việc thuộc về quản lí nhà nước, xã hội. Gián tiếp bằng cách thông qua đại biểu
của nhân dân để họ kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Quản lý nhà nước và xã hội có đối tượng quản lý rộng,
bao quát tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, công dân cần
tham gia quản lý nhà nước và xã hội ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật,
đến phổ biến chính sách, pháp luật và giám sát các hoạt động thực tiễn. Trong
thực tế, mức độ tham gia quản lý nhà nước và xã hội của mỗi công dân rất khác
nhau, do sự chi phối của các yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc lựa chọn
hình thức tham gia quản lý.
Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện
quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc
hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Hình thức tham gia trực tiếp: Công dân thực hiện quyền
tham gia quản lý nhà nước và xã hội của mình bằng cách tham gia ứng cử đại biểu
quốc hội hoặc ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp. Khi trúng cử, trở thành đại
biểu quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có thể trực tiếp tham
gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội thông qua việc thực hiện nhiệm vụ và quyền
hạn của mình. Công dân có thể tham gia hoạt động trong các cơ quan nhà nước
thông qua cơ chế tuyển dụng. Tùy theo năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
công dân có thể được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước hoặc được bổ nhiệm vào những
chức vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước. Khi trở thành công chức của nhà nước, tùy
theo vị trí việc làm, cấp bậc quản lý mà công dân có thể có điều kiện và khả
năng thuận lợi để trực tiếp tham gia quản lý, ra quyết định, tạo ra những tác động
quan trọng cho xã hội.
Công dân có thể tham gia thảo luận, cho ý kiến trực tiếp
đối với các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý dựa trên
quy định của Luật trưng cầu ý dân. Với chính sách dân chủ, mở rộng sự tham gia,
Nhà nước kỳ vọng người dân thực hiện quyền và trách nhiệm xã hội ở mức cao, mỗi
công dân sẽ trực tiếp đóng góp ý kiến, trí tuệ vào các chủ trương, chính sách,
pháp luật của Nhà nước.
Tham gia góp ý kiến đối với hoạt động của các cơ quan
nhà nước; phát biểu ý kiến về các vấn đề quản lý nhà nước, về nội dung của các
quyết định quản lý, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với những vấn
đề xã hội phát sinh. Điều này có thể thông qua các phương tiện thông tin đại
chúng hay gửi ý kiến góp ý đối với cơ quan có thẩm quyền. Kiểm
tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh với tệ quan liêu, hách dịch,
cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy nhà
nước. Tùy thuộc vào tính chất công việc và vị trí việc làm, công dân có thể
tham gia quản lý nhà nước thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh
giá và đấu tranh chống tiêu cực trong bộ máy nhà nước, làm trong sạch đội ngũ,
đảm bảo sự vận hành hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Để tham gia vào quản
lý nhà nước với chức năng thanh tra, công dân phải thỏa mãn những điều kiện nhất
định để trở thành thanh tra viên trong các cơ quan thực hiện chức năng thanh
tra hành chính hoặc thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, công dân cũng có thể
tham gia quản lý nhà nước với tư cách là thành viên của Ban thanh tra nhân dân.
Công dân tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật: Phương thức tham gia là cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách
nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý về
dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của
văn bản. Công dân, có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến, phản ánh với Nhà nước
về những vấn đề còn vướng mắc, bất cập của các văn bản pháp luật, để Nhà nước sửa
đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi
ích của công dân. Quyền và nghĩa vụ của công dân tham gia vào việc xây dựng
chính sách, pháp luật
Công dân có thể tham gia bàn và quyết định trực tiếp
những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở: Xuất phát từ việc sinh sống, làm
việc tại các địa phương, cơ quan, công dân có thể góp ý với cơ quan chức năng về
những vấn đề bất cập, gây tác động tiêu cực cho sự ổn định và phát triển, đề xuất
các giải pháp để giải quyết.
Khiếu nại, tố cáo những việc làm trái pháp luật của
các cơ quan và công chức nhà nước, tìm kiếm sự giải quyết để đảm bảo sự ổn định
và tạo động lực phát triển: Nhà nước ban hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật
Tiếp công dân, tạo cơ sở cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo và được cơ
quan quản lý nhà nước tiếp nhận, lắng nghe và giải quyết. Nhà nước xác định việc
tiếp công dân là công tác quan trọng.
Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước tiếp nhận được
các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực
hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc
phục kịp thời. Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, cơ quan, cán bộ tiếp công
dân thay mặt cơ quan nhà nước lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Thái độ của cán
bộ tiếp công dân, của cơ quan tiếp công dân được người dân xem như thái độ của
Nhà nước đối với yêu cầu của nhân dân. Công tác tiếp công dân được làm tốt sẽ
góp phần phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân; củng cố mối quan hệ
giữa người dân với Nhà nước, giúp Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản
hồi từ thực tế, đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, đồng thuận
với người dân.
Hình thực tham gia gián tiếp: Công dân thực hiện quyền
tham gia quản lý nhà nước bằng việc thực hiện quyền bầu cử đại biểu quốc hội và
đại biểu Hội đồng nhân dân. Để thực hiện quyền lực nhà nước được Nhân dân trao
cho, đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải chịu sự giám sát, chất
vấn của cử tri (công dân) về các yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước (Điều 79 và
Điều 115 Hiến pháp 2013).
Công
dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua các tổ chức chính trị – xã hội,
các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp. Khi công dân có yêu cầu và ý kiến, các
tổ chức sẽ tập hợp lại để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải
quyết. Chính sách của Nhà nước là cho phép công dân thông qua tổ chức mà mình
là thành viên tham gia nhiều hơn trong hoạt động quản lý của Nhà nước, từ việc
phản biện các chính sách, pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước
và của công chức, cũng như đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình cho các cơ quan
nhà nước xem xét, thực hiện.
Hiện nay, một số bài báo viết bài sai sự thật cho rằng
nhà nước ta đang ngăn cấm công dân tham gia quản lý nhà nước, chúng đưa ra những
điều thiếu căn cứ, cơ sở hoặc lợi dụng những sai lầm ở một số địa phương trong
công tác quản lý để quy chụp bản chất Nhà nước Việt Nam, với mục đích cuối cùng
là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, mỗi chúng ta cần
phải nắm chắc những quyền và nghĩa vụ được quy định rõ trong hiến pháp góp phần
lớn vào công cuộc xây dựng đất nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn
của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét