Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

NVD40 - Giữ vững lập trường trước những lời “sỏ xiên” về mối quan hệ Việt Nam – Campuchia

 

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của Chính phủ và nhân dân hai nước, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng vững chắc, tạo đà để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia vì sự trường tồn và phát triển của mỗi dân tộc.

Mối quan hệ cùng chung một chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc. Ngày 24/6/1967, quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức được thiết lập, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung sức, đồng lòng đánh đuổi thực dân Pháp. Chỉ thị kháng chiến kiến quốc vào ngày 25/11/1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra chủ trương thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Tháng 3/1951, tại Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Sự ra đời của khối liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, không chỉ gắn kết, tập hợp ba nước Đông Dương vào chung một mặt trận thống nhất, mà còn là biểu tượng của sự thắng lợi trước chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. Mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước nói chung, giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng đã tạo ra những điều kiện căn bản, đồng thời là nhân tố bảo đảm và thúc đẩy cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc của mỗi nước đi đến thắng lợi.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương... Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào, được xây dựng và phát triển tốt”. Điều này cho thấy, mong muốn của Việt Nam trong việc củng cố tình đoàn kết, hữu nghị vốn có với Campuchia, giành được sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng tiến bộ ở Campuchia đối với cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Về phía Campuchia, chính quyền Campuchia do Hoàng thân Norodom Sihanouk làm Quốc trưởng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn vào năm 1963, công khai lên án hành động xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và tổ chức Hội nghị Nhân dân các dân tộc Đông Dương tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) vào năm 1965, thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngoài sự ủng hộ về chính trị, Campuchia còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Khi Campuchia rơi vào khó khăn sau cuộc đảo chính tháng 3/1970 của Lon Nol, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp Campuchia chuyển hướng đấu tranh từ mục tiêu hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, dân sinh sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị chống Chiến lược Khmer hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng kháng chiến Campuchia từng bước được xây dựng và trưởng thành, tích cực phối hợp với quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Pathet Lào thực hiện liên minh đặc biệt chiến đấu đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Đông Dương, làm nên chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam và Campuchia vào mùa Xuân năm 1975.

“Kề vai sát cánh” lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tái sinh đất nước Campuchia. Khi cả hai đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi chế độ thực dân, đế quốc, Campuchia lại rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước này khi phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng bởi chế độ Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan. Sự tàn bạo của tập đoàn Pol Pot Ieng Sary - Khieu Samphan đối với nhân dân Campuchia cũng như những cuộc tấn công quy mô lớn, liên tục của lực lượng quân đội “Campuchia Dân chủ” vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, giết hại nhiều người dân Việt Nam, một lần nữa đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân hai nước cùng chống lại chế độ diệt chủng hết sức man rợ.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Campuchia  chung sức với cán bộ và nhân dân Campuchia nhằm ngăn chặn nạn đói đang hoành hành khắp nơi và trực tiếp cùng với Chính phủ, quân đội và nhân dân Campuchia khắc phục những hậu quả sau chế độ diệt chủng, từng bước thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước, tạo thế nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với sự bao vây, cấm vận và tiến công quân sự, ngoại giao của các thế lực thù địch, phản động.

Tháng 9/1989, khi Campuchia đủ sức tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã lên đường về nước. Trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, ngày 7/1/1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia Heng Samrin (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia) đã khẳng định: “Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”

Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, cùng phát triển. Kể từ khi chính thể Vương quốc Campuchia được thành lập (năm 1993), quan hệ Việt Nam - Campuchia bước vào giai đoạn mới. Hai bên tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nhà nước Campuchia đặc biệt coi trọng quan hệ với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, coi đó là sự tất yếu nhằm giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, hợp tác hai bên cùng có lợi, củng cố quốc phòng - an ninh vì lợi ích của hai nước.

Với truyền thống đoàn kết, gắn bó vốn có qua nhiều thăng trầm lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và phát triển thông qua đường lối ngoại giao đúng đắn của mỗi nước. Các chuyến thăm ngoại giao cấp cao giữa hai Chính phủ thường xuyên được tổ chức. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia tiếp tục duy trì mối quan hệ thường xuyên, gắn bó. Với tư cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam tích cực ủng hộ và thúc đẩy tiến trình kết nạp Campuchia vào Hiệp hội. Năm 2005, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo hai nước nhất trí quyết tâm phát triển quan hệ hai nước theo phương châm 16 chữ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, thúc đẩy nâng tầm từ “hợp tác nhiều mặt” lên “hợp tác toàn diện”. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước vừa phát triển theo chiều rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội, vừa từng bước đi vào chiều sâu, hướng tới các thỏa thuận mang tính chiến lược, lâu dài ở cấp quốc gia. Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, có thể thấy, dù trải qua không ít thăng trầm theo dòng lịch sử nhưng mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Campuchia vẫn không ngừng được vun đắp và phát triển, trở thành “tài sản chung quý báu của hai dân tộc và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước”. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân hai nước, xuất phát từ thực tiễn lịch sử “vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau” đã được lãnh đạo hai bên nhiều lần khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Hợp tác chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Hai bên thường xuyên duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân. Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước; đồng thời, nhiều văn kiện đã được ký kết, tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 5/10/2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 22/12/2020); Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (ngày 21/1/2013, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 9/10/2014)... Gần đây nhất, nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Campuchia  (tháng 12/2021), hai bên đã ký kết 7 văn kiện hợp tác.

Bên cạnh đó, hai bên tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa nhằm kỷ niệm các sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, như Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (ngày 7/1/1979), trùng tu các Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia...; tuyên truyền sâu rộng về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia đến mọi tầng lớp nhân dân, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động chống phá mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa hai nước không thể thực hiện được, song hai bên vẫn thường xuyên duy trì quan hệ chính trị thông qua các kênh tiếp xúc, như hội đàm, gửi thư thăm hỏi, tích cực chia sẻ, hỗ trợ nhau các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cùng với việc tăng cường quan hệ cấp cao, Việt Nam - Campuchia còn đặc biệt quan tâm thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân, xem đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước. Hội hữu nghị hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ hữu nghị và giao lưu nhân dân, các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các ngày lễ lớn của hai dân tộc. Phong trào kết nghĩa, giao lưu giữa các địa phương của hai nước cũng được đẩy mạnh, không chỉ giới hạn ở các tỉnh có chung đường biên giới mà còn ở các tỉnh cách xa nhau về mặt địa lý. Các cơ chế hợp tác, như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, Hội nghị Xúc tiến đầu tư,... được hai nước thực hiện hiệu quả. Hiện hai bên đang tích cực chuẩn bị cho việc phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1967 - 2022), góp phần tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước cùng trân trọng và giữ gìn quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, hai nước cũng thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECs), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS),... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển ở khu vực và toàn cầu. Với sự cố gắng của cả hai đất nước, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng khăng khít. Đối vơi Việt Nam, luôn tôn trọng quyền độc lập, tự chủ của mọi quốc gia dân tộc, không riêng gì đối với đất nước Campuchia, do đó những sự kiện của đất nước bạn diễn ra Việt Nam luôn ủng hộ, dõi theo, nhưng không tham gia một khâu, hay bật kỳ một vấn đề nào. Do vậy, với những bài viết của những kẻ phản động, làm méo mó mối quan hệ giữa hai nước, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam cần phải đấu tranh loại bỏ, không để làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của thể hệ trẻ của hai nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...