Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

NVH40 - Những thành tựu nổi bật của giáo dục Việt Nam

 

 Từ một quốc gia có 95% dân số mù chữ, trải qua 76 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.  

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, trong đó có vấn đề về giáo dục. Người nêu: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. (…) Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.

“Ngu dân” là chính sách thâm độc được thực dân Pháp thực hiện trong suốt thời gian chúng xâm lược và đô hộ nước ta. Chúng đầu độc dân ta bằng rượu và thuốc phiện, đồng thời hạn chế các hoạt động giáo dục. Âm mưu đồng hóa dân ta, thực dân Pháp tìm cách phủ nhận văn hóa truyền thống; về mặt giáo dục, chúng bỏ chữ Hán và chữ Nôm ra khỏi chương trình dạy học và thay thế bằng chữ Pháp, còn chữ viết thì dùng chữ quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi xây dựng nền giáo dục ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, người Pháp có ba mục đích. Thứ nhất và quan trọng nhất là nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị, khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Thứ hai là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. Thứ ba là để mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Với hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba để đối phó nên hệ thống giáo dục phổ thông Pháp - Việt do Pháp thiết lập rất nhỏ, vì chỉ nhằm đào tạo một số người đáp ứng mục tiêu cai trị của người Pháp. 

Sau Cách mạng tháng Tám, xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp tiêu diệt giặc dốt là nhiệm vụ thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Ngày 8/9/1945, Người ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ. Trong bài Chống nạn thất học đăng trên Báo Cứu quốc ngày 4/10/1945, Người nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Chỉ trong một năm (từ tháng 9/1945 đến 8/1946), phong trào bình dân học vụ đã giúp cho hơn 2,5 triệu người biết chữ.

Trong thời gian diễn ra kháng chiến, công tác giáo dục tiếp tục duy trì với việc mở lại trường cũ, xây mới trường học các cấp, chú trọng đào tạo giáo viên… Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), số trường học, học sinh, giáo viên đều tăng nhanh. Năm học 1945 - 1946, cả nước chỉ có 3.500 giáo viên tiểu học, 95 giáo viên trung học, đến năm 1950 đã có 10.500 giáo viên tiểu học, 584 giáo viên cấp II và 31 giáo viên cấp III[1]. Giữa năm 1950, cả nước có gần 12,2 triệu người biết chữ; 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã và 7.200 thôn được công nhận thanh toán nạn mù chữ. Đến năm học 1975 – 1976, năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, số trường đại học tăng 19,5 lần, trường trung cấp chuyên nghiệp tăng 29,1 lần, số sinh viên tăng 50,9 lần so với năm học 1955 – 1956…

Trong 3/4 thế kỷ qua, nền giáo dục nước ta đã thực hiện nhiều cuộc cải cách. Cải cách giáo dục đầu tiên vào năm 1950, chuyển cấp “trung học chuyên khoa” học 3 năm chuyên ban thành “phổ thông cấp III” không chuyên ban. Cải cách thứ hai vào năm 1956 sáp nhập hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm và 12 năm đang tồn tại song song ở miền Bắc thành hệ thống giáo dục mới 10 năm. Đến đầu năm 1979, thống nhất hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới. Cải cách gần đây nhất vào năm 2013, được đánh giá có tính toàn diện, triệt để bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013, trên tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hiện giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (2010 - 2020), số trường mầm non tăng hơn 2.600 trường. Mỗi xã phường đều có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Số trẻ đến trường tăng hơn 1,5 triệu em so với năm học 2010 - 2011. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Về cấp tiểu học, 63/63 tỉnh thành đều đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 4 địa phương đạt mức độ 3. Cả 63/63 tỉnh thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1, một số địa phương đạt mức độ 2 và 3[2].

Năm học 2020 - 2021, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non, hơn 8,8 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,9 triệu học sinh THCS, hơn 2,7 triệu học sinh THPT; tổng số phòng học là 593.808 phòng (tăng 3.504 phòng so với năm học trước), trong đó phòng học kiên cố chiếm 70,5%. Riêng bậc THPT, cả nước có có 2.543 trường (tăng 144 trường), 59.686 lớp; trong số này có 45,33% số trường đạt chuẩn quốc gia và 40,22% số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; có 135.875 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,78% (tăng 2,8% so với năm học trước).

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong 76 năm qua, Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó có một số điểm nổi bật như: thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”. Phương hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Không chỉ vậy, giáo dục Việt Nam còn hướng đến sự phát triển đột phá và nâng cao chất: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...