Đúng thời điểm “lò
chống tham nhũng, tiêu cực” đang rực lửa với phiên toà xét xử đại án các
“chuyến bay giải cứu” với 54 bị cáo bị truy tố về các tội danh: Nhận hối lộ,
đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công
vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hàng loạt cán bộ, đảng viên nguyên là lãnh đạo
các địa phương, đơn vị có hành vi sai phạm bị thi hành kỷ luật; ngày 11/7/2023,
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về Kiểm soát quyền lực và phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quyết tâm “Hoàn thiện cơ chế phòng
ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực” như lời khẳng định của đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang được Đảng ta tập trung triển khai
thực hiện với các hành động, giải pháp quyết liệt, tầm nhìn chiến lược, đáp ứng
yêu cầu thực tiễn…
Tham nhũng là hiện
tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có.
Xuất hiện từ khá sớm trong xã hội loài người, khi xã hội phân chia giai cấp và
hình thành các tập đoàn quyền lực, tham nhũng là “căn bệnh” mà lực lượng cầm quyền
rất dễ mắc phải. Xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của
dân tộc, ông cha ta đã sớm nhận biết được nguy cơ và có những “phương thuốc”
đặc trị căn bệnh nguy hiểm tham nhũng. Một trong những biện pháp phòng ngừa
tiêu biểu được coi là kinh nghiệm của các triều đình phong kiến trong sử dụng
quan lại là thực hiện chế độ “hồi ty” bắt đầu từ thời nhà Lê. Theo đó, quan
đứng đầu một địa hạt không được nhậm chức tại quê mình, không được lấy vợ là
người sở tại, không được có nhà cửa, đất vườn… trên địa hạt đang cai quản và
quan lại phải được dịch chuyển địa hạt cai quản sau một thời gian nhất định.
Dưới triều Nguyễn, Luật “hồi ty” được vua Minh Mạng ban bố năm 1831, nhằm
nghiêm cấm các hiện tượng tiêu cực trong thanh tra, xử án, chấm thi… Đến thời
vua Thiệu Trị, triều đình bổ sung thêm các điều khoản trong xử án để tránh tình
trạng vì nhận hối lộ, tham nhũng mà bao che, nương nhẹ cho kẻ có tội. Những quy
định này đã có tác dụng trong bảo đảm sự công minh của pháp luật và ngăn chặn
những hành vi tiêu cực của quan lại, chống việc trù dập người tố cáo, cậy
quyền, cậy thế nhũng nhiễu lương dân.
Kế thừa, phát huy
những truyền thống, kinh nghiệm quý báu của cha ông, ngày 23/9/2019, Bộ Chính
trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công
tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp
với điều kiện khách quan, Quy định số 114-QĐ/TW về Kiểm soát quyền lực và
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã được Bộ Chính trị
ban hành thay thế cho Quy định 205-QĐ/TW. Quy định gồm 05 chương, 16 điều; theo
đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo của địa
phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức quán triệt và căn cứ tình hình thực tiễn, cụ
thể hóa theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và
hằng năm báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả thực hiện. Đồng thời, yêu cầu Ủy
ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, đôn đốc việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng
viên vi phạm về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong
công tác cán bộ theo Quy định của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng
viên vi phạm. Chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp thường xuyên kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Quy định, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm.
Điểm đáng chú ý trong
Quy định này là Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình
đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy,
ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ
chức Đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm người đứng đầu hoặc
cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; không bố trí người có quan hệ gia
đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính,
ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường,
quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa
phương. Nếu không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà người có quan hệ gia
đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được cấp trên đồng ý trước khi bố
trí. Nếu là chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương
quản lý, tổ chức Đảng phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh do Trung ương
quản lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền…
Trong
bài viết “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết,
tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng
định: “Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng,
tiêu cực, chúng ta cũng đã rất chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế
trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không
dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; trước hết là cơ chế
“không thể” tham nhũng, tiêu cực”. Hàng loạt các văn bản về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành thể hiện chủ trương
nhất quán, quy định mạnh mẽ, quyết liệt của Trung ương Đảng đã được cán bộ,
đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, triển khai thực hiện nghiêm túc,
đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt.
Theo lời Tổng Bí thư:
“Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ; cái cần
nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức
thực hiện. Chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng mà Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng đã chỉ ra và tại nhiều Hội nghị quán triệt, triển khai các nghị
quyết, quy định của Đảng, đó là tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, “rằng hay
thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”.
Suy cho cùng, vấn đề
cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Chủ trương, chính sách có
quyết liệt đến đâu mà người tổ chức thực hiện thờ ơ, vô cảm, bàng quan, thiếu
tinh thần trách nhiệm thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những
điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thì chẳng những không
đạt được thành quả như mong muốn mà còn gây hậu hoạ nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu
đến uy tín của tổ chức Đảng, niềm tin của nhân dân. Do đó, cùng với việc thiết
lập, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm
minh; để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thắng lợi, mỗi cán bộ,
đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo,
chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Có như thế, các chủ trương đúng đắn, quyết liệt của
Đảng mới đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thiết thực góp
phần xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét