Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày
càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ra mắt có ý nghĩa và
tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên trang facebook “Đài Á Châu tự
do” đã xuất hiện bài viết có luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của cuốn
sách như “Sách chống tham nhũng của Tổng bí thư: In cho ai đọc?”; “Sách của ông
Trọng: Lạc đề đối với người dân”; và có những ý kiến bẻ cong sự thật về việc
xuất bản này như “Ông Trọng chống tham nhũng chỉ nhằm hai mục đích, một là
thanh trừng trong nội bộ. Thứ hai là đánh bóng tên tuổi của ông ta thôi”;
“phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức”
hay “cả về mặt kinh nghiệm thực tế và lý luận thì chuyện chống tham nhũng ở
Việt Nam không có gì gọi là mới hay đặc sắc để mà có thể chia sẻ thành kinh
nghiệm riêng”… Vậy, cuốn sách của Tổng bí thư là cẩm nang quý báu về công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hay chỉ có giá trị “tầm thường”
theo sự suy diễn của những luận điệu xuyên tạc và chiêu trò của các phần tử bất
mãn. Chúng ta cần phải nhận thức rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tham nhũng gắn liền với tha hóa
quyền lực và là vấn nạn của mọi quốc gia; ở đâu có quyền lực thì ở đó tất yếu
đã, đang và sẽ ít nhiều có sự tha hóa quyền lực, tức là có tham nhũng, tiêu
cực, dù đó là thể chế chính trị nào. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiểu cụ
thể ra là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình
thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”,
hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra trong nội bộ, do những người
có chức, có quyền thực hiện. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi
chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không
ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Thứ hai, đây là một bước tiến quan trọng trong
nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, từ “một bộ phận cấu thành quan trọng” trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh
cách mạng, tiến tới trở thành “một nội dung quan trọng” của công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và sau hơn 36 năm đổi mới đất nước, chống tham nhũng được nhận
thức “là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng” của công tác xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, từ năm 2012 đến nay, các cơ quan tiến
hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố
16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham
nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra
2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439
vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần
4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham những, chức vụ, kinh tế (trong đó các tội
về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban chỉ đạo
phòng chống tham nhũng quốc gia đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 02
cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ
việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120
vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản
lý. Những con số nêu trên cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi
đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu
cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên
ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế, được cán bộ,
đảng viên, nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm
khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đó là điều không
ai mong muốn, nhưng mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là
nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là
cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh”
hay “đấu đá nội bộ”, cũng không phải là sự dàn xếp, tranh giành quyền lực hay
thanh trừng phe phái trong Đảng.
Thứ tư, sự ra đời và được đón nhận của Cuốn
sách không chỉ là một minh chứng thể hiện sự nhất quán, kiên định, phát triển
và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của
Đảng Cộng sản Việt Nam, của người đứng đầu Đảng về xây dựng Đảng cầm quyền
trong sạch, vững mạnh nói chung, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu
cực nói riêng mà còn là sự quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở
thành mối quan tâm chung, hành động chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ,
đảng viên và cả bạn bè quốc tế. Những luận điệu xuyên tạc lạc lỏng nêu trên cho
thấy đó là sự quy chụp hồ đồ của các phần tử bất mãn, của các thế lực thù địch
và là chiêu trò hèn hạ, thâm độc nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng, hướng đến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…
Vì thế, Cuốn sách không chỉ thực sự là “cẩm
nang quý báu” với mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong quá
trình tu dưỡng, rèn luyện để tự soi, tự sửa mình, để “cảnh giác trước mọi cám
dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá
nhân ích kỷ”, mà còn thực sự góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn
Đảng trong tình hình hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét