Trong suốt chiều dài
lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, toàn thể quốc dân đồng bào
đã nhất tề đứng dậy chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất nước trước lời hiệu
triệu sục sôi hào khí “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”,
khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý
“không có gì quý hơn độc lập tự do”. Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong
lịch sử dân tộc, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật lên tinh thần quyết tử cho tổ quốc
quyết sinh, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền
của Tổ quốc.
Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông
đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, song, chính quyền cách mạng non trẻ đang
đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này mong manh
như “nghìn cân treo sợi tóc” phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: Giặc đói,
giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.
Xuất
phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta là: đất nước được hoà bình, ổn
định để tập trung tài lực vào xây dựng cuộc sống mới; từ đánh giá âm mưu của
các thế lực đế quốc và căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng lúc đó, Đảng ta
và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương lãnh đạo cách mạng là phải có
chiến lược và sách lược đúng đắn, vừa kiên quyết đấu tranh để giữ vững nền độc
lập, thống nhất quốc gia, vừa nhân nhượng, hòa hoãn với kẻ thù để tránh cùng
một lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai miền đất nước (với quân
Trung Hoa Dân quốc và quân Pháp), hoặc một cuộc chiến tranh quy mô cả nước với thực
dân Pháp; đồng thời, tranh thủ thời gian, khắc phục khó khăn, xây dựng thực lực
cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Cuối
năm 1945, đầu năm 1946, chúng ta thực hiện sách lược “Hoa - Việt thân thiện”,
hoà hoãn với Trung Hoa Dân quốc và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách để tránh
một cuộc xung đột quân sự lớn ở miền Bắc, tập trung đấu tranh chống thực dân
Pháp đang gây chiến tranh ở miền Nam. Đầu năm 1946, bọn đế quốc thoả thuận để
cho Pháp độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình mới, ta lại thực hiện sách lược
“hoà để tiến”, hoà hoãn với thực dân Pháp bằng Hiệp định Sơ bộ, cuộc đàm phán tại Hội nghị trù bị Đà
Lạt và Hội nghị chính thức ở Phông-ten-nơ-bờ-lô, Tạm ước 14-9-1946 để đuổi quân Trung Hoa Dân quốc về
nước và cố gắng giải quyết cuộc xung đột Pháp - Việt bằng biện pháp hoà bình,
chí ít cũng trì hoãn cuộc chiến tranh để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực
lượng cho toàn quốc kháng chiến.
Thỏa thuận ngừng bắn
trong Tạm ước 14-9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, cuối tháng 11 năm
1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng. Tại
Hà Nội, quân đội thực dân Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở
Hà Nội trong các ngày 15, 16-12-1946 như đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền,
chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 17-12-1946, quân
Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt, chúng đã gây ra vụ
tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu
Long Biên, khu Cửa Đông. Ngày 18-12-1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối
hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại
trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát
an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu
trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946
quân Pháp sẽ hành động.
Trước tình hình đó,
ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng
họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng
chiến trên phạm vi toàn quốc.
Vào hồi 20 giờ ngày
19/12/1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong
toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát
đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng
chiến của Hồ Chủ tịch.
Lời kêu gọi toàn quốc
kháng chiến đã nêu bật lên khát vọng hoà bình, sự nhân nhượng của dân tộc, đồng
thời đã tiếp tục phát huy tinh thần Nam quốc sơn hà Nam Đế cư của tổ tiên ta thủa trước; là
sự thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia. Đó là lời
của Tổ quốc, của dân tộc thiết tha kêu gọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ
nước; đồng thời, cũng là lời tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước về ý
chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đáp Lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh,
toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình tượng những chiến sĩ
Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử
cho Tổ quốc quyết sinh” mãi
mãi là biểu tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều
sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc, để rồi 9 năm làm một Điện Biên, nên vành
hoa đỏ nên thiên sử vàng, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu,
chấn động địa cầu đã minh chứng cho điều khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “thắng lợi nhất định về dân tộc
ta!”.
Khát vọng hòa bình và lòng tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước là tài sản vô giá được thừa kế từ thế hệ này đến thế hệ khác
Trả lờiXóa