Ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam -
ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp. Từ thành thị đến nông thôn, từ
đất liền tới biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, ở khắp mọi miền đất nước,
hơn 69 triệu cử tri náo nức đến với “Ngày hội non sông” trong không khí phấn
khởi, vui tươi và mang theo trách nhiệm, niềm tin lớn lao gửi vào lá phiếu để
bầu ra những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào
các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Chúng ta còn nhớ, trên Báo Cứu quốc số 130 ra ngày 31-12-1945,
trong bài "Về ý nghĩa Tổng tuyển cử", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
"…Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng
cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu
nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai
quyền đó". Tiếp đó, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
của đất nước, chiều 5-1-1946, trước hơn hai vạn đồng bào Thủ đô đang mít tinh
ủng hộ cuộc bầu cử tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa
Hà Nội), một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Từ trước đến nay, toàn
quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe
lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được
độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này…".
Nhắc lại những câu chuyện của hơn 75 năm trước để thấy, để có được quyền cầm lá
phiếu ngày hôm nay, bao thế hệ ông cha đã phải kiên cường chiến đấu, hy sinh
xương máu giành và giữ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vậy, quyền bầu cử không chỉ là quyền của cá nhân
mỗi cử tri khi bầu ai, chọn ai mà còn là sự khẳng định quyết tâm chính trị của
những người đang sống hôm nay đối với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền
nhân đã xả thân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây nước nhà.
Mỗi lá phiếu trong tay của hơn 69 triệu cử tri cả nước tại cuộc
bầu cử diễn ra hôm 23-5 vừa qua, dù nhỏ nhắn với những thông tin cơ bản nhất
nhưng chứa đựng giá trị cùng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý. Đó là sự
khẳng định tuyệt đối và tiếp nối liên tục quyền là chủ, làm chủ của nhân dân
đối với một nước độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946 đến thời điểm
này, nhân dân đã thực hiện quyền và trách nhiệm để bầu ra các đại biểu Quốc hội
khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trải qua hơn 75 năm, mỗi
một lần bầu cử các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước lại có những yêu cầu
với các ứng viên có những phẩm chất, năng lực khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ
cách mạng của mỗi giai đoạn. Song, ý thức công dân, ý thức trách nhiệm thể hiện
qua những lá phiếu của cử tri vẫn là yếu tố quyết định tới chất lượng các cuộc
bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Và ngày hội lớn
của năm 2021 này mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chung của
tình hình trong nước, khu vực và thế giới cũng như thế và lực của Việt Nam
trong một giai đoạn mới.
Không chỉ là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với
sự tham gia của hơn 69 triệu cử tri để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội, 3.727 đại
biểu HĐND cấp tỉnh, 22.953 đại biểu HĐND cấp huyện, 246.510 đại biểu HĐND cấp
xã; cuộc bầu cử các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta lần này thêm một
lần khẳng định nhân dân là người chủ thực sự của đất nước; quyền con người đi
cùng quyền và nghĩa vụ công dân đã được quy định Hiến pháp năm 2013 luôn được
tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Thêm vào đó, cuộc bầu cử lần này diễn ra
trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác
động trực tiếp đến nước ta. Ở trong nước, trải qua 35 năm đổi mới, thế và lực
cùng sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế ngày càng được
nâng cao nhưng vẫn tồn tại những nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế;
nguy cơ "diễn biến hòa bình"; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ
quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 đang tàn phá hết sức nặng nề nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt
Nam, bằng những biện pháp quyết liệt, chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh,
được cộng đồng quốc tế khâm phục và đánh giá cao. Tuy nhiên làn sóng dịch bệnh
thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp, cả nước đang chung tay gồng mình chống
“giặc Covid-19”, quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là vừa chống dịch
vừa phát triển kinh tế. Điều đó cho thấy rằng để cuộc bầu cử diễn ra thành công
và an toàn có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng
hộ của nhân dân cả nước.
Cách đây 75 năm, chiều 5-1-1946, sát thềm cuộc Tổng tuyển cử đầu
tiên của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Làm việc bây giờ là hy
sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm
quan cách mạng thì nhất định không bầu...". Đòi hỏi thực tiễn cách mạng
đối với người vinh dự được chọn làm công bộc đích thực của dân xem ra vẫn còn
nguyên tính thời sự. Cùng ngày 5-1-1946, trên Báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nhấn mạnh: "...Người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ
tất nhiên, có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử, sẽ
phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng
bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi
chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với
Tổ quốc. Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng
hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc
hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không
được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc
dân nhất định cử ta...".
Cử tri ngày càng đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào những người đại
diện cho lợi ích chính đáng của mình, thay mặt cho nhân dân tham gia vào hệ
thống các cơ quan lập pháp, kiến tạo những chiến lược, chính sách phát triển
đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu
rộng, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống dân
sinh. Thực tế cho thấy, thời gian qua các hoạt động nghị trường từ Trung ương
đến địa phương đã ngày càng mang hơi thở nóng của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội
và HĐND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm của mình
đối với cử tri, không chỉ thông qua các kỳ họp mà cả ngay trong những công việc
thường ngày, tham gia chất vấn đến cùng những vấn đề tồn tại ở các địa phương
cũng như trên cả nước.
Đó chính là niềm tin trong từng lá phiếu đã được đặt đúng chỗ, thể
hiện thông qua thái độ làm việc nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm của những
người được lựa chọn vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét