Dưới chế độ nô lệ và phong kiến, tư tưởng thần quyền và phân biệt đẳng cấp
hà khắc đã tước bỏ tự do, dân chủ của nhân dân. Giai cấp tư sản đã lật đổ chế độ
chuyên chế quân chủ, đồng thời dân chủ tư sản được xây dựng trên cơ sở phủ định
chế độ chuyên quyền phong kiến, vì vậy, nó cũng thể hiện sự tiến bộ nhất định
so với dân chủ thời chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Nhưng “dân chủ tư sản chỉ
mang tính nửa vời, không triệt để”, thực tiễn cho thấy dân chủ tư sản được xây
dựng trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, cũng đồng nghĩa với dân
chủ không bao giờ thuộc về quảng đại nhân dân. Do đó, quần chúng nhân dân tiếp
tục đấu tranh để xây dựng một nền dân chủ thực sự là tất yếu. Và nền dân chủ mà
xã hội loài người đang hướng đến chính là dân chủ xã hội chủ nghĩa - Nền dân chủ
ưu việt, khác hẳn về chất so với dân chủ tư sản.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là một nước dân chủ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại,
quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã khẳng
định, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chế độ xã hội
do nhân dân làm chủ, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các hình thức
trực tiếp và gián tiếp, thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong
đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân,
trên cơ sở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Với bản chất và đặc điểm nêu trên, dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chế
độ dân chủ thực sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nó
đối lập với chuyên quyền độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu.
Khẳng định điều này, trong bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta cần một xã hội, mà trong đó, sự phát triển
là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên
phẩm giá con người”; “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa
là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền
lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng
Việt Nam”.
Tuy nhiên, thời gian qua có không ít tổ chức, cá nhân vu cáo trắng trợn,
xuyên tạc, bôi nhọ vấn đề dân chủ, nhân quyền ở nước ta, thường tập trung vào
phủ nhận thành tựu, thực tiễn về các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của
Đảng về dân chủ, nhân quyền; lợi dụng các hiệp định, dự án hợp tác với nước
ngoài, nhằm phá hoại và làm chệch định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; kích động vấn đề dân tộc thiểu số và xuyên tạc, vu cáo Đảng,
Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo; xuyên tạc
Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận; kích động khuynh hướng cực đoan nhằm
phủ nhận các giá trị lịch sử dân tộc, thành quả cách mạng; bôi nhọ, xúc phạm
lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam tra tấn, bức
cung, nhục hình, phân biệt đối xử đối với tù nhân chính trị, những nhà “bất đồng
chính kiến”, ngăn cản thân nhân vào thăm tù nhân…
Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ,
nhân quyền ở trong nước thường nhại lại những luận điệu của một số tổ chức quốc
tế và một số nước phương Tây, đa phần dựa trên những thông tin cóp nhặt, cắt
xén rời rạc, nghiên cứu không sâu nên phiến diện và xuyên tạc.
Trái với những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn trên, thực tế Việt
Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy
dân chủ, nhân quyền, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và thiên
tai thời gian qua, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đối với người
dân là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết
tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy
dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt sau sự kiện Việt Nam trúng cử vào
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kì 2023 – 2025), càng khẳng định vị thế,
vai trò của Việt Nam trên trường Quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền
con người. Có thể khẳng định rằng, nền dân chủ mà toàn Đảng và toàn dân ta đang
xây dựng là một nền dân chủ thực sự, đề cao quyền làm chủ của quần chúng nhân
dân, một nền dân chủ công bằng, công lý, hiện đại và nhân văn, đúng với phương
châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng đã khẳng định.
bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa