Gần đây tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu
số, một số đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng vấn đề ngôn ngữ các dân tộc
thiểu số để tung tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,
kích động sắc tộc, chia rẽ vùng, miền, gây mất ổn định trật tự-an toàn xã
hội... Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện rõ vấn đề này một cách
kịp thời và đưa ra phương pháp đấu tranh, phòng chống hiệu quả...
Thời
gian qua, bên cạnh việc bịa đặt, vu khống về tình hình tôn giáo và nhân quyền ở
Việt Nam để chống phá Đảng, Nhà nước ta, một số cá nhân, tổ chức phản động, cực
đoan, thiếu thiện chí còn thường xuyên lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hóa,
quốc tế hóa các vấn đề dân tộc nhằm tạo cớ gây sức ép và can thiệp vào công
việc nội bộ của Việt Nam.
Chẳng
hạn, các đối tượng phản động đã đứng ra thành lập những hội nhóm trái pháp luật
với khẩu hiệu “bảo tồn và phát triển lịch sử, tôn giáo và văn hóa người Khmer”
nhưng thực chất hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ đồng bào
dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, bôi nhọ, hạ thấp uy tín những chức sắc, sư
sãi yêu nước, tiến bộ, từ đó kích động ly khai, kêu gọi người dân tham gia đấu
tranh thành lập cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm”...
Đặc
biệt, một số đối tượng được hậu thuẫn bởi các tổ chức phản động ở nước ngoài đã
sử dụng các đài phát thanh bằng tiếng dân tộc ở hải ngoại, in ấn phát hành các
văn hóa phẩm bằng ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc nhằm truyền đạo và lan
truyền thông tin chống đối Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Chúng khai thác các hiện tượng riêng lẻ về vấn đề dân tộc như tiếng nói, chữ
viết hay bảo tồn văn hóa của các tộc người thiểu số rồi thổi phồng lên thành
mâu thuẫn dân tộc và kêu gọi cần phải có biện pháp “bảo vệ quyền con người”,
“bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số”... để kích động, dẫn dắt một số người
nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu hiểu biết.
Thực
tế, từ khi thành lập nước đến nay, chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói,
chữ viết của các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước luôn nhất quán trong công
tác chỉ đạo và thực hiện. Tại Điều 15, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa (năm 1946) nêu rõ: “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu
số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp”.
Điều
này được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cũng như nhiều
văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ. Tại khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm
2013 quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng
nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền
thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Trong
Luật Giáo dục được ban hành sau đó vào các năm 1998 và 2019 đều khẳng định Nhà
nước khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng
nói, chữ viết của dân tộc mình, qua đó phát huy những phong tục, tập quán,
truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, góp phần tạo ra giá trị văn
hóa đa màu sắc của dân tộc Việt Nam.
Hiệu
quả của các chính sách trên đã phát huy trên thực tế. Nếu như trước đây, chỉ có
một số dân tộc như Chăm, Khmer,... có sẵn tiếng nói và chữ viết riêng, còn lại
hầu hết các dân tộc thiểu số khác chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết riêng
của mình thì đến nay việc La-tinh hóa cách phát âm ngôn ngữ của một số dân tộc
chỉ có tiếng nói, không có chữ viết như H’Mông, Ê Đê, Jrai... và hệ thống hóa
ký tự của người Tày, Dao, Thái... đã được triển khai. Qua đó, các tiếng nói của
đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Hiện
nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu
số; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Ê Đê,
H’Mông, M’Nông, Thái); và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Jrai,
Bahnar, H’Mông, Ê Đê); 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học tiếng dân tộc trong
trường phổ thông... Trong đó, nổi bật là việc dạy tiếng Khmer (có khoảng 1,3
triệu người Khmer, chiếm 7% dân số). Việc truyền bá thông tin bằng tiếng dân
tộc, đưa tiếng dân tộc vào chương trình giáo dục vừa giúp cho đồng bào dân tộc
thiểu số duy trì nét văn hóa của mình, vừa bảo đảm sự bình đẳng trong việc
hưởng thụ các giá trị văn hóa và giáo dục.
Bên
cạnh đó, phong trào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc”
được triển khai rộng rãi. Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di
sản văn hóa ban hành năm 2009 đề ra yêu cầu: “Dạy tiếng nói, chữ viết của dân
tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ
trang nhân dân công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo yêu cầu công
việc”.
Thực
tế cho thấy việc hiểu được ngôn ngữ, tiếng nói của người dân tộc thiểu số vừa
giúp cho công tác phát hiện, nắm tình hình địa bàn, kịp thời đấu tranh với các
hiện tượng tiêu cực, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã
hội; vừa hỗ trợ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào dân tộc
thiểu số hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn
giáo trong tình hình mới.
Ngoài
ra, để bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số được sử dụng tiếng nói của mình
khi tham gia tố tụng, pháp luật Việt Nam quy định về việc cho phép người tham
gia tố tụng dân sự, hình sự và hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết
của dân tộc mình. Theo đó trong các trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ mời người
phiên dịch đến để hỗ trợ. Quy định này vừa mang ý nghĩa chính trị-xã hội, thể
hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc, vừa bảo đảm công tác xét xử được chính xác,
minh bạch.
Thời
gian tới, để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với việc lợi dụng vấn đề
dân tộc thực hiện âm mưu chống phá của các tổ chức, đối tượng phản động, thù
địch, mỗi người dân chúng ta cần không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân
tộc.
Bên
cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, các cấp ủy
đảng và chính quyền cần tập trung xây dựng và bảo đảm đội ngũ cán bộ công tác
tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số am hiểu ngôn ngữ, tiếng nói và văn
hóa của đồng bào, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin của người dân.
Chú
trọng làm tốt công tác tuyên truyền đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về vấn đề dân tộc, không để đồng bào bị các đối tượng xấu lôi kéo,
lợi dụng và kích động. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, từng
bước nâng cao đời sống kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng, miền; đồng
thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân
tộc thiểu số.
Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trả lờiXóa