Trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản
2 của Điều 83 đã hiến định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch
nước, UBTVQuốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại
biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”. Luật Tổ chức Quốc hội tại
Điều 90 cũng quy định rõ: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp
Chủ tịch nước, UBTVQuốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng
số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”.
Như vậy, việc Quốc hội họp bất
thường đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Không phải
“Quốc hội họp bất thường là vi hiến”, “Quốc hội họp bất thường là trái luật”. Cử
tri và đồng bào cả nước đều có thể theo dõi các phiên họp qua những phương tiện
thông tin đại chúng với rất nhiều kênh truyền hình trực tiếp, trực tuyến. Vậy
mà vẫn có một số người lại cố tình xuyên tạc nội dung, bản chất của kỳ họp. Họ
rêu rao trên mạng xã hội, phát biểu trên một số phương tiện thông tin đại chúng
của nước ngoài rằng: “Quốc hội họp bất thường để tạo cơ sở pháp lý cho việc
tham nhũng chính sách”, “Quốc hội họp bất thường vì lợi ích nhóm”, “Quốc hội
họp bất thường có bình thường không vào lúc này?”...
Những ngày vừa qua, mạng xã hội có
khá nhiều những bài viết suy diễn và xuyên tạc bản chất vấn đề việc Quốc hội đã
biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về
việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 (Phạm Bình Minh
và Vũ Đức Đam) vào chiều 05/1/2023 và việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ
đại biểu Quốc hội khóa XV đối với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày
18/01/2023. Cho đó là “sự thanh trừng nội bộ”, là sự “tranh giành phe cánh”
trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Những nhận định không khách quan này không chỉ xuyên tạc công tác cán bộ,
cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn
Đảng ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Việc “miễn nhiệm” Chủ tịch nước và 2
Phó Thủ tướng “theo nguyện vọng của cá nhân” thời gian qua không chỉ là sự thay
đổi, phù hợp mà còn là minh chứng thể hiện tính nhân văn trong công tác cán bộ
của Đảng, chứ tuyệt đối không phải là “sự thanh trừng nội bộ” và càng không
phải việc “thôi chức”, “miễn nhiệm” này là “kết quả một vụ tranh chấp phe nhóm
trong nội bộ”. Thực tế cũng cho thấy rằng, năm 2022 là năm có nhiều vụ án tham
nhũng được đưa ra xét xử, đang điều tra để xét xử và đi liền cùng đó là những
cái tên như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh
Long, Phạm Xuân Thăng, Tô Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ
Lan, Nguyễn Thị Thanh Nhàn… vì liên quan đến vụ án Công ty Việt Á; vụ án
“chuyến bay giải cứu”; vụ án thao túng giá chứng khoán; vụ án liên quan Tân
Hoàng Minh; vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát; vụ án Công ty Cổ phần tiến bộ quốc
tế (AIC)… Sự thật này cũng cho thấy việc trong Đảng có một bộ phận cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tham ô, tham
nhũng, tiêu cực ở những cấp độ khác nhau đã, đang và sẽ tiếp tục phải chịu sự
trừng phạt của pháp luật không chỉ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, mà
còn gây bức xúc trong nhân dân là không thể phủ nhận.
Thực tế, quyết tâm chống tham nhũng
quyết liệt trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đang công
tác hay đã nghỉ chế độ và kết quả của cuộc đấu tranh này đã góp phần cảnh tỉnh,
răn đe những người muốn lợi dụng/lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Tham nhũng
đã từng bước được ngăn chặn, kiểm soát, chứ không phải tham nhũng “càng chống
càng tăng về quy mô, tính chất” và biểu hiện của nó ngày càng “hung hãn, kịch
liệt, tinh vi” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Cần phải khẳng định chắc
chắn rằng: Việc cho “thôi chức” và “miễn nhiệm” cán bộ; đẩy mạnh đấu tranh
chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam do
Đảng Cộng sản lãnh đạo chắc chắn không phải là “việc đấu đá, tranh giành quyền
lực giữa các phe nhóm”. Những kết quả đạt được dù tiếp cận ở chiều cạnh nào
cũng cho thấy tham nhũng không chỉ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có
tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đến tất cả mọi người, mọi cán bộ, đảng viên của
Đảng.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa