Hiện nay,
tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp và khó dự báo,
đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng phải đối mặt
với những nguy cơ, thách thức mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới đã xuất hiện nhiều quan điểm
sai trái đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lý thuyết đổi mới của
Đảng bao hàm một hệ thống mở, với các luận điểm luôn phát triển và với phương
pháp luận biện chứng, nhưng điều “bất biến” cần phải giữ đó là không để chệch
hướng chủ nghĩa xã hội. Vấn đề ở chỗ là xử lý mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo
với kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, chứ không phải
đổi mới để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm
trong quá trình tìm tòi cũng như tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới không đồng
nghĩa với việc để mất phương hướng và rời bỏ nguyên tắc, đây là mối quan hệ
nghiệt ngã mà nếu không kiên định vững vàng thì sẽ chuốc lấy hậu quả nghiêm
trọng đó là mất ổn định chính trị và dẫn đến mất luôn chế độ.
Sự kiên định
chính là giữ vững, kế thừa và bảo vệ các nguyên tắc lí luận và phương pháp cách
mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những nguyên tắc đã trở
thành chân lý phổ biến mà Đảng ta đang vận dụng vào sự nghiệp đổi mới. Trong
quá trình đổi mới, Đảng đã xác định mô hình xã hội chủ nghĩa gồm 6 đặc trưng,
rồi bổ sung phát triển thành 8 đặc trưng mà vẫn chưa dừng lại, cần phải tiếp
tục bổ sung và phát triển. Nhưng sự bổ sung và phát triển không thể tách rời
mục tiêu chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời hiện thực của thời đại và điều
kiện cụ thể của nước ta. Nói cách khác, đổi mới chính là một tiến trình thúc
đẩy sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
một cách phù hợp và hiệu quả chứ không phải giáo điều, rập khuôn, hay thực
dụng, cơ hội, đều đã phải trả giá từ thực tế cải tổ đi đến sụp đổ và đánh mất
chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu!
Quá trình xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá trình tìm tòi và phát triển. Qua mỗi
giai đoạn, từng chặng đường đều kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm thành
công và chưa thành công để phát huy, để bổ cứu, để vượt qua. Có thể nói chúng
ta đã chủ động vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lí
luận, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đưa đất nước phát triển đúng hướng và
mang lại hiệu quả cao. Càng ở vào những thời điểm khó khăn, càng độc lập sáng
tạo và bám sát cuộc sống sinh động trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội, an ninh, quốc phòng; càng thận trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi
tầng lớp nhân dân. Thực tế đã chứng minh phương châm xuyên suốt đối với những
quyết sách chính trị và tổ chức thực tiễn trong quá trình đổi mới của Đảng là
hợp quy luật và hợp lòng dân. Nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong lí luận đổi
mới là kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học đã qua, phát huy truyền
thống và sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại vận dụng
vào điều kiện cụ thể của Việt Nam với tinh thần độc lập, sáng tạo, giữ vững
định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ độc lập dân tộc.
Sự nghiệp đổi mới phải gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng là điều kiện cơ bản nhất, then chốt nhất, tập trung nhất của việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là một tất yếu lịch sử, một đòi hỏi có tính quyết định đến sự tồn vong của chế độ ta trong thời đại ngày nay. Sở dĩ nói như vậy bởi các thế lực thù địch luôn âm mưu phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng từ bên trong và mối quan hệ giữa Đảng với dân, hòng làm cho Đảng ta suy yếu đi đến tan rã. Họ lợi dụng các diễn đàn dân chủ, tìm cách tuyên truyền, phát tán các tài liệu bằng các thủ đoạn “mềm” và “hiểm” gây hoang mang dao động, đòi đa nguyên chính trị, đa Đảng đối lập hòng tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, với ý đồ đưa đất nước và chế độ ta vào thảm họa diệt vong bắt đầu từ việc lật đổ Đảng.
Khẳng định vị
trí, vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ là vấn đề thuộc về nguyên tắc của lý
luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là kết luận được rút ra từ tình
cảm sâu nặng và lý trí sáng suốt theo dòng lịch sử của dân tộc ta. Để giữ vững
và phát huy được vai trò lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng thì
Đảng phải tiến hành tự đổi mới và tự chỉnh đốn mình, xem đây là vấn đề cốt lõi
của công cuộc đổi mới. Bên cạnh sự nỗ lực rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính
trị, học tập toàn diện để nâng cao kiến thức, cần nghiêm túc tự phê bình những
non kém, tiêu cực, ngăn chặn những mầm họa khủng hoảng từ trong Đảng đó là sự
thoái hóa về chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng đến niềm tin, đến uy
tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong công
cuộc đổi mới, con thuyền cách mạng Việt Nam dưới sự chèo lái của Đảng đã giành
được nhiều thành tựu to lớn, đúng như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhờ ơn Đảng chúng ta mới có được cuộc sống như ngày hôm nay
Trả lờiXóa