Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Đất quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đất đai là một trong những điều kiện không thể thiếu để tiến hành các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Đất đai sử dụng vào mục đích quốc phòng ở nước ta trong thời gian qua và hiện nay có những đặc điểm mà chúng ta không thể không lưu ý, trong khi tiến hành việc quy hoạch sử dụng đất. Do các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chống lại cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta, dân tộc ta, nên chúng đã triển khai hoạt động quân sự trên địa bàn rộng lớn. Vì vậy, hệ thống căn cứ, cứ điểm, đồn bốt của chúng được xây dựng ở khắp nơi, từ miền núi, đồng bằng đến đô thị, đã sử dụng một diện tích đất khá lớn cho mục đích quân sự.

Sau khi nước nhà thống nhất, diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng trong cả nước, bao gồm: đất do quân đội ta sử dụng và đất do quân đội Mỹ, chư hầu và quân đội ngụy sử dụng trước đó, về cơ bản do các đơn vị quân đội ta quản lý. Đó là chưa kể diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng trong thời kỳ chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

Hiện nay, trước yêu cầu sử dụng đất cho mục đích phát triển kinh tế và dân sinh, một bộ phận đất sử dụng cho mục đích quốc phòng đã được chuyển sang làm mặt bằng cho phát triển các khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ, văn hóa, xã hội và phát triển khu dân cư, trong đó có nhà ở cho cán bộ, sĩ quan quân đội. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, giữa quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có sự bàn bạc thống nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua và hiện nay, đây đó vẫn đang tồn tại một số vấn đề xung quanh việc sử dụng đất cho mục đích quốc phòng. Một số địa phương cho rằng, đất do quân đội quản lý còn “quá lớn”, nhiều diện tích không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, trong khi địa phương rất cần đất cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư. Mặt khác, tình trạng người dân lấn chiếm diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc các ngành, địa phương xây dựng các công trình dân dụng ảnh hưởng đến hoạt động quân sự vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhưng vẫn không được ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để...

Thực tế hiện nay, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng không lớn, xét tổng thể, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong diện tích đất tự nhiên của cả nước. Tuy nhiên, theo nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” nên tại một số đô thị, trong một số trường hợp, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng chiếm tỷ lệ đáng kể.  Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu, nhưng tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, không thể xem nhẹ. Để giải quyết vấn đề đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà vẫn bảo đảm được nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư, cần giải quyết tốt các vấn đề sau:

Một là, trong công tác quy hoạch sử dụng đất, phải vừa bảo đảm nhu cầu đất cần thiết để sử dụng hẳn cho mục đích quốc phòng trong điều kiện hòa bình, vừa dự kiến diện tích đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội, nhưng sẽ chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng trong điều kiện tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đối với đất vừa phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội, vừa sẵn sàng chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng khi cần thiết, phải được quy định cụ thể diện tích nào được xây dựng công trình, diện tích nào được liên doanh với nước ngoài.

Hai là, tiếp tục rà soát nhu cầu đất sử dụng cho mục đích quốc phòng và việc sử dụng đất vào mục đích quốc phòng hiện có để điều chỉnh cho phù hợp. Việc điều chỉnh bao gồm: chuyển một số diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng sang mục đích dân sự và chuyển một số diện tích đất sử dụng cho mục đích dân sự sang mục đích quốc phòng. Việc điều chỉnh này là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm sử dụng đất đai một cách hiệu quả, hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, xây dựng quân đội nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Ba là, đối với đất sử dụng cho mục đích quốc phòng do quân đội trực tiếp quản lý, cần quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Những diện tích đất hiện tại chưa sử dụng, các đơn vị quân đội đang trực tiếp quản lý cần thông báo cho chính quyền địa phương biết sẽ được sử dụng như thế nào để tránh những vướng mắc, hiểu nhầm. Các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý đất sử dụng cho mục đích quốc phòng cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, chống lấn chiếm trái phép, nhất là đối với các sân bay, trung tâm huấn luyện, trường bắn, thao trường, bãi tập...


Trên đây là những đề xuất ban đầu để nâng cao chất lượng, tính khả thi trong quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng. Đây là vấn đề lớn, cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu, nhất là tham khảo ý kiến của các địa phương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn... về hướng giải quyết, để bảo đảm thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...