Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986. Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới
công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học. Đại hội khẳng định: Đổi mới ở
nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, hầu như tất
cả các nước đều có sự điều chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải
cách của các nước cũng là sự gợi mở cho Việt Nam trong sự nghiệp tìm tòi con
đường đổi mới. Đổi mới ở Việt Nam là quá trình thử nghiệm, trong quá trình này
cái mới và cái cũ xen kẽ nhau, cái cũ không mất đi ngay mà lùi dần, có lúc, có
nơi còn chiếm ưu thế hơn cái mới, nhưng xu hướng chung là cái mới dần dần được
khẳng định và đưa tới thành công. Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là luôn luôn lấy sự
ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp
đổi mới, phát triển và chính sự phát triển đó sẽ tạo ra sự ổn định mới vững
chắc hơn. Sau
hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch
sử:
Thứ nhất, chuyển từ mô hình kinh tế kế
hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành
phần kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều
thành phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà
nước, có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai
trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở
hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và
hiệu quả kinh tế là chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây là đổi mới
căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp
giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Thứ hai,
từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang mô
hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế
quản lý kinh tế là xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương
đối đồng bộ cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Thứ ba, đổi mới hệ thống chính trị từ
chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản lý kinh tế hành chính mệnh
lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn
liền với tôn trọng luật pháp, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân
dân.
Từ thực tiễn đổi mới, Đảng và
Nhà nước ta càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý. Có thể
rút ra một số bài học sau đây:
1. Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
2. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình
thức và cách làm phù hợp.
3. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân,
phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp thực tiễn, luôn luôn
nhạy bén với cái mới.
4. Phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực,
kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
5. Phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng,
không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền
dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước
ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do,
phát triển theo con đường XHCN; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người
làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo,
kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế
rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm,
khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan,
duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa
khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Nhận rõ khuyết điểm sai lầm, Đảng ta luôn tự chỉnh đốn, tự
đổi mới khắc phục những khuyết điểm, yếu kém để hoàn thành xứ mệnh lịch sử của
mình. Điều đó khẳng định ở Việt Nam không có lực lượng chính trị nào đủ tư cách
và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng cũng đang quyết tâm tự chỉnh đốn,
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để “Đảng là đạo đức, là văn minh” theo lời
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét