Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh
tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng-an ninh và quốc phòng-an ninh với kinh tế,
văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt
để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng-an ninh tại
các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược...”. Để thực hiện nhiệm vụ chiến
lược này, việc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia trên mặt trận sản xuất, xây
dựng kinh tế ở các lĩnh vực, địa bàn mà các thành phần kinh tế khác không thể
đảm nhận là lẽ đương nhiên. Việc này trực tiếp góp phần nâng cao tiềm lực quốc
phòng của đất nước, vì một nền kinh tế mạnh là điều kiện để xây dựng một nền
quốc phòng mạnh và một nền quốc phòng mạnh sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát
triển kinh tế.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng để vừa có thể sản
xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản
phẩm, dịch vụ dân dụng trên nền tảng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng,
tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao là xu hướng chung của nhiều tập đoàn kinh
tế trên thế giới. Quân đội ta có những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh
vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, có chiến lược phát triển tốt
trong các ngành: Cơ khí chế tạo, điện-điện tử, công nghệ thông tin-viễn thông,
bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển và logistics, đóng mới và sửa
chữa tàu biển, xăng dầu, viễn thám, đo đạc, bản đồ, tư vấn thiết kế, xây dựng
công trình, cầu hầm lớn, vận tải hay khai thác khoáng sản, sản xuất nông, lâm,
ngư nghiệp, hậu cần nghề cá trên các địa bàn chiến lược...
Chính việc thực hiện các đơn hàng dân sự cũng là cách để các
doanh nghiệp quân đội tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, rèn
luyện kỹ năng, tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý, đầu tư mở rộng
sản xuất… để áp dụng trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự, tăng cường khả năng
sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh
tế thị trường và diễn biến khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, đa
phần các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược, vừa
phát triển sản xuất, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo
vệ đất nước.
Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các
khu KTQP, tham gia phát triển kinh tế biển ở những vị trí chiến lược, góp phần
phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh ở
những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Các đoàn
KTQP của quân đội là lực lượng nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại
dân cư, xây dựng nông thôn mới và tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh trên
các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng trong giai đoạn tới
không thể tách rời quá trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, cơ cấu lại các
ngành và lĩnh vực kinh tế, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết
của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về
tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong
đó có các doanh nghiệp quân đội.
Trong quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp quân đội, dưới tác
động của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp
4.0, chúng ta có thể tổ chức thành một số tổ hợp công nghiệp quốc phòng trên cơ
sở gắn kết các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng với cơ sở sản
xuất, kết hợp công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, trong đó dành ưu tiên cao nhất
cho ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kết quả
nghiên cứu và chuyển giao (R&D) cho các sản phẩm quốc phòng trước, rồi sau
đó là cho dân sự.
Một số người thường nói “quân đội làm kinh tế” là cách nói không
chính xác. Nói chính xác phải là “quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh
tế”. Hai khái niệm này khác nhau ở chỗ: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là
nhiệm vụ, là chức năng, là một “mặt trận” tác chiến của Quân đội ta theo lời
Bác Hồ dạy: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản
xuất”, luôn được Đảng ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và
được Quân đội ta thực hiện trong suốt những năm qua. Quân đội thực hiện chức
năng “đội quân lao động sản xuất” để vừa tự đáp ứng các nhu cầu của mình về
lương thực, vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm, vừa duy trì năng lực sẵn sàng chiến
đấu, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước, vào sự phát
triển đồng đều giữa các vùng, miền. Quân đội thực hiện nhiệm vụ “tham gia sản
xuất, xây dựng kinh tế” là thực hiện kế sách dựng nước đi đôi với giữ nước,
kinh tế kết hợp với quốc phòng xuyên suốt lịch sử dân tộc. Mục tiêu của việc
quân đội “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” là để đóng góp cho sự vững chắc
của nền quốc phòng-an ninh đất nước, vì sự phát triển của đất nước. Nó khác
hoàn toàn với “làm kinh tế” là kinh doanh đơn thuần, mục tiêu tối thượng là lợi
nhuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét