Thực tiễn
cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới, không
có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có được công cuộc
đổi mới theo định hướng đúng đắn.
Công cuộc đổi mới là sự lựa chọn khoa học và cách mạng nhằm mục tiêu phát
triển đất nước, trước hết là phát triển kinh tế, là bước ngoặt quan trọng trong
tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam được đánh dấu từ Đại hội VI của
Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).
Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật,
Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt nhấn mạnh
phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.
Đây là một bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền
đề lý luận cho việc triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp đổi mới trên
các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là giải pháp cải cách kinh tế để giải
phóng sức sản xuất, thực hiện sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung,
quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt thời gian dài trước đổi mới, Việt Nam duy trì quá lâu nền kinh
tế hiện vật, kế hoạch, phi hàng hoá, phi thị trường, mặc dù trong giai đoạn
lịch sử trước đây nền kinh tế này có vai trò nhất định trong việc động viên sức
người, sức của cho chiến tranh giải phóng, nhưng đã trở nên bất cập, kìm hãm sự
phát triển trong điều kiện mới.
Nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu phải đổi mới về mọi mặt từ cơ cấu
kinh tế đến cơ chế kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với kinh tế, tổ chức bộ máy, phương thức và phương pháp lãnh đạo, quản
lý, điều hành cũng phải thay đổi. Do đó, đổi mới là tất yếu vừa để đón kịp thời
cơ, vừa chủ động chấp nhận và vượt qua thách thức để phát triển.
Đổi mới, do đó cũng là mở đường cho những nhận thức sáng tạo, thúc đẩy mọi
hành động tích cực, năng động sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, tạo động lực
cho phát triển kinh tế-xã hội và dân chủ hóa đời sống xã hội.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt
Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng: Đất nước ra
khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước
đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn
định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển;
bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ
nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng
cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất
nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ
xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào
chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và
phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng
là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp
với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét