Trước hết, cần khẳng định: “phi chính trị hóa quân đội” là một luận điệu,
nội dung trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của
các thế lực thù địch; mục tiêu hướng tới là thúc
đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Quân đội, làm cho Quân đội xa
rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội không còn là
chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Luận điệu đòi “phi chính trị hóa quân
đội” rất thâm hiểm nhưng hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn.
Một là, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, quân đội
của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục
để thực hiện mục tiêu chính trị đó. Bởi vậy, không thể có quân đội đứng ngoài
chính trị.
Hai là, quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của
nhà nước đã tổ chức ra nó, bởi quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước
để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được thông qua các cuộc
đấu tranh giành quyền lực.
Ba là, từ kinh nghiệm xây dựng Hồng quân
Liên Xô. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, V.I.Lênin đã coi Hồng quân là trụ
cột của chính phủ cách mạng, lực lượng nòng cốt để bảo vệ chính quyền còn rất
non trẻ. V.I.Lênin luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng quân đội về chính trị.
Hơn 70 năm, Quân đội Liên Xô luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên
xô, trưởng thành vững mạnh, thực sự là quân đội kiểu mới của giai cấp công
nhân. Song cũng chính từ đây, một quân đội hùng mạnh trên thế giới, nhưng trước
âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của kẻ thù và những sai lầm, đã làm cho Đảng
Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo quân đội, quân đội mất phương hướng chính
trị, cầm súng nhưng không biết bảo vệ ai, hậu quả chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô sụp đổ.
Bốn là, từ thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, có thể
thấy: Quân đội ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được
Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn
luyện để giành và giữ chính quyền cách mạng nên bản thân nó đã là một lực lượng
chính trị. Hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân
Việt Nam đã chứng minh: Quân đội là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với
Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục
tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng, đó là độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì thế, trái với luận điệu “phi chính trị
hóa quân đội”, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về
chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu và chiến
đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn
liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội là một bài học
thành công của Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về
xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Lịch sử cách mạng Việt Nam
đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó.
Nhờ chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, mà trước hết
là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
của mình trong mọi giai đoạn cách mạng, xứng đáng với lời tuyên dương của Bác:
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập,
tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn
nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Chống âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” và tăng cường
xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là hai mặt của quá trình xây dựng Quân
đội nhân dân “cách mạng, chinh quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại". Đó là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự
nỗ lực của bản thân Quân đội nhân dân.