Tổng tuyển cử
là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để
gánh vác công việc nước nhà.
Cuộc bầu cử diễn
ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi
và cả thách thức đan xen, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại;
nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Cần phải nhấn mạnh,
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước
cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền
lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám
sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Còn Hội đồng
nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện
vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách
nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân
quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến
pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân
dân.
Bầu cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là
phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc
xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ
trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Với vị trí, vai
trò quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong bộ máy Nhà nước và xã hội
như trên nên cuộc bầu cử là dịp để cử tri cả nước lựa chọn những người có đức,
có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân
tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước. Qua đó, thể hiện quyền làm chủ của
nhân dân tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Cử tri chính là
nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử, lựa chọn ra những người đại
diện vào cơ quan dân cử. Đối với mỗi cử tri, việc cầm lá phiếu trên tay không
chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là trách nhiệm. Trách nhiệm lựa chọn đúng
những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn
đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp.
Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ,
nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian
khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong
kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là
quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.
Mong rằng, với
ý nghĩa to lớn của lá phiếu cử tri, mỗi cử tri cần nhận thức sâu sắc quyền và
nghĩa vụ của mình, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tiểu sử các ứng cử viên, tự giác đi
bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một
lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.
Mỗi cử tri cần hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử
Trả lờiXóa