Hiện
nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cơ quan chức năng tích cực tiến hành.
Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá bầu cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản
động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với
tính chất hết sức quyết liệt.
Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận,
nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối
tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài
nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu
cử. Trong đó, những nội dung chống phá chính
mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến là:
Thứ
nhất, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử
Thời gian vừa qua, ngoài các website, trang mạng xã
hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành, một
số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam cũng liên
tục tung ra những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung tiêu cực, thiếu
chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại nước ta. Các
đối tượng xấu đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm như: “Bầu cử chỉ
là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”,
“Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ
khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v…
Căn cứ những nhận định phiến diện trên, các đối tượng
xấu quy kết cho rằng cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là không chính danh,
không đúng quy định của pháp luật, ngăn cản quyền bầu cử của công dân. Từ đây,
các đối tượng đưa ra yêu sách đòi Đảng Cộng sản không được tham gia vào công
tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử; phải “tự
rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng,
chấp nhận sự cạnh tranh với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ v.v…
Những luận điệu, nhận định mà các đối tượng đang rêu
rao như trên là hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân.
Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi
mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống
cho sự suy yếu của đất nước.Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là làm thay, không
bao biện, không khuynh loát trong bầu cử. Ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban
hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu
cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thứ
hai, thực hiện chiêu trò "tự ứng cử", hô hào các hội nhóm dân chủ
trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối,
phá hoại cuộc bầu cử
Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng
cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời,
thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của
bản thân trong giới “dân chủ”.
Ngoài ra, những thông tin được các đối tượng xấu đưa
ra đã trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng,
vu khống, công kích công tác bầu cử của Việt Nam. Pháp luật nước ta quy định
công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có
quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND
các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không
ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này.
Chính vì vậy, những người tham gia ứng cử đại biểu
Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Trong
đó, các tiêu chuẩn cơ bản đối với ứng viên là: Trung thành với Tổ quốc, nhân
dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên
quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch,
cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên
môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm
vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân
dân, được nhân dân tín nhiệm…
Thứ ba, xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến
nghị vô căn cứ
Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức
phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết“xếp
ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng
độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong
Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Những
luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Ngoài ra, trước
vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu
là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy,
xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề.
Tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu
Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu
(5-10%). Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá công tác bầu cử, các đối tượng xấu đã biến
tướng, xuyên tạc bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu hướng lái, cho rằng Đảng
quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “cân bằng quyền lực”
trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng… Thậm
chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành
bầu cử theo phương thức của các nước tư bản.
Hiện nay, các thế lực phản động, chống đối cũng tìm
mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm
biến nghị trường trở thành diễn đàn để cách đối tượng thực hiện hoạt động chống
phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước
cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực
hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.
Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng
Trả lờiXóa