Sáng 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng
thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa
có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội họp trực tuyến cả
kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội). Kỳ họp bất thường lần thứ
nhất, Quốc hội khóa XV đã được tổ chức để thảo luận, quyết định những vấn đề
quan trọng như:
Thứ nhất, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính
sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với
dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh
tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc
lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính,
tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công
trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ
trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ
cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô
từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai
đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án
thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối
tác công - tư (PPP).
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến
đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng
Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành
12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu
tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân
sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi
hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.
Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự
án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo
phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật
Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Dự án đã
được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án
Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Đây là dự án Luật có tính
chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối
tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính
chất tương đối độc lập….
Thứ tư, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số
cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế
hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành
phố Cần Thơ.
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung: (1) Về tình hình
phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới
Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các
sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại
Công ty Việt Á. (2) Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu
kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong
thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp
cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp bất thường lần
thứ nhất.
Lợi dụng Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường, trên trang Blog Đài
Châu Á Tự do (RFA), đối tượng Diễm Thi phát tán bài “Quốc hội họp bất thường có
bình thường vào lúc này?”, nội dung xuyên tạc cho rằng tổ chức kỳ họp bất
thường trên “do Thường vụ Quốc hội quyết định thay cho Quốc hội” đồng thời yêu
cầu “người dân được vào Quốc hội để quan sát và theo dõi hoạt động của Quốc
hội. Mục đích của những
luận điệu mà các đối tượng tung ra xuyên tạc nội dung, ý nghĩa kỳ họp có thể
thấy rõ ở mấy điểm sau:
Một là, đằng sau những luận điệu sai
trái, xuyên tạc mà các đối tượng xấu tập trung khai thác, lập luận, tuyên
truyền, người ta thấy đó là quan điểm dân tuý, cố tình phê phán tổ chức và hoạt
động của Quốc hội nước ta, xuyên tạc cho rằng việc tổ chức kỳ họp Quốc hội bất
thường như vậy là mất dân chủ, qua đó nhằm hạ thấp vai trò của Quốc hội hệ
thống chính trị trong đời sống xã hội ở Việt Nam, cố tình dẫn dắt dư luận để gieo rắc nhận thức lệch lạc, hạ thấp vị
trí, ý nghĩa của kỳ họp, uy tín, niềm tin của nhân dân vào Quốc hội, cơ quan
quyền lực cao nhất của nhân dân.
Hai là, làm méo mó hình ảnh, đất nước,
con người Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế, làm suy giảm uy tín, vị thế Việt
Nam trên trường quốc tế. Qua đó họ cố tình bóp méo tình hình Việt Nam, nhất là
bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội, xuyên tạc tình hình dân chủ ở
Việt Nam.
Trái ngược thủ đoạn, ý đồ
mà các đối tượng rêu rao, kỳ họp bất
thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV là một sự đổi mới, đột phá trong hoạt
động của Quốc hội khóa XV để chủ động giải quyết các vấn đề cấp thiết cấp bách
của đất nước liên quan đến quốc kế dân sinh, không để chờ đến kỳ họp tiếp theo,
qua đó thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội
khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào
ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Thành công của kỷ họp sẽ góp phần quan trọng đưa Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV với
tinh thần xem xét, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn
đề để đưa ra quyết nghị đúng đắn. Trên cơ sở đó, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất
để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt
được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, thúc đẩy việc hoàn thành
thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội,
xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đưa đất
nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét