Thực hiện Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước,
hằng năm có hàng vạn thanh niên trên cả nước hăng hái xung phong lên đường thực
hiện nghĩa vụ quân sự trong không khí vui tươi, phấn khởi, tự hào. Tuy nhiên,
cũng vào dịp này, trên không gian mạng xuất hiện nhiều luận điệu sai trái của
các thế lực thù địch, phản động và những kẻ cơ hội chính trị xuyên tạc về ngày
Hội tòng quân. Mục đích của họ là bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”,
bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân
đối với Quân đội, hòng hiện thực âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội.
Chúng đăng tải các cảnh bạo lực trong quân đội
nước ngoài với lời bình xuyên tạc là ở Việt Nam; nguy hiểm hơn, có những hình
ảnh, video được cắt ghép, dàn dựng để bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức,
tác phong và hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội,... nhằm kích động
một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội,
làm nóng vấn đề. Mục đích của họ là bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ
Hồ”, bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội, làm suy giảm niềm tin của
nhân dân đối với Quân đội. Từ đó, khiến cho thanh niên nhập ngũ “tự diễn biến”,
buông lỏng về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc; làm cho nhân dân
hoang mang, thiếu niềm tin, không muốn cho con em mình thực hiện nghĩa vụ quân
sự. Sâu xa hơn, đó còn là mưu đồ hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội khi các đối tượng phản động kích động người dân biểu tình, chống
phá, kích động các quân nhân đào ngũ, bỏ ngũ. Song, dù các thế lực cố tình bôi
đen thế nào cũng không thể phủ nhận bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội
nhân dân Việt Nam; cũng như ý thức, trách nhiệm cao của thế hệ trẻ đối với
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn coi thực hiện nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng;
Quân đội vẫn mãi là trường học lớn, môi trường tốt để thanh niên học tập, rèn
luyện.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền lợi, đồng
thời cũng là trách nhiệm cao cả của mỗi công dân Việt Nam để bảo vệ nền độc
lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên cho chính quê hương, gia
đình, người thân của mình. Và trên hết, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được
hiến định trong Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, vì vậy, không thể đưa ra để bàn
luận, để tính toán “đi hay không đi”, “dám hay không dám”. Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ
thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ
quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45, Chương II) và
“Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân…. Cơ quan,
tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều
64, Chương IV). Thể chế hóa Hiến pháp, Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 và Khoản 1,
Điều 59 Luật Nghĩa vụ quân sự (năm 2015) quy định: Nghĩa vụ quân sự là
nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân; công dân trong
độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội,
tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, phải thực hiện
nghĩa vụ quân sự theo quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống
đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách
nhiệm hình sự. Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được luật hóa, buộc
phải thực hiện.
Hơn nữa, thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ
đơn thuần là chấp hành pháp luật của Nhà nước, đó còn là nghĩa vụ thiêng liêng
cao cả của công dân đối với dân tộc, với Tổ quốc. Lịch sử minh chứng, dựng nước
đi đôi với giữ nước đã trở thành quy luật trường tồn của dân tộc ta. Biết bao
thế hệ ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của
nhân dân. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với tinh
thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết
sinh”, ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng triệu thanh niên Việt
Nam đã xung phong lên đường chiến đấu, trở thành những
chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Những anh hùng liệt sĩ, như: Cù Chính Lan, Võ
Thị Sáu, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn
Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm,… là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, là niềm tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Nếu không có tinh thần
đó, không có những sự hy sinh cao cả, thiêng liêng đó thì chúng ta không có
được đất nước nở hoa độc lập, phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay. Vì vậy,
tham gia nghĩa vụ quân sự, trở thành quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam
anh hùng, được đóng góp công sức, trí tuệ để góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
thành quả cách mạng là niềm vinh dự, tự hào, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của
mỗi thanh niên hiện nay. Nếu đang được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm
no,... mà ai đó chỉ biết đến vun vén, hưởng thụ cho bản thân; còn đắn đo, tính
toán, trốn tránh nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm công dân thì
không những vi phạm pháp luật mà còn “có tội” với Tổ quốc và dân tộc.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của các cấp, các
ngành và toàn xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp trực tiếp nâng cao nhận thức, định
hướng tư tưởng để thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ
thiêng liêng, cao cả, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa.
Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa