Những ngày qua, thông tin về việc Việt
Nam cử lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trong vụ động
đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cụ thể, Việt
Nam đã cử 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an và 76 cán bộ sĩ quan, quân nhân
chuyên nghiệp của Bộ Quốc phòng đến Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm,
cứu nạn. Đây không phải là lần đầu chúng ta cử lực lượng tham gia thực hiện các
nhiệm vụ quốc tế, song lại là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham
gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra tại một quốc
gia ở xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Việt
Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa
thiên tai xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ được dư
luận đánh giá cao. Hoạt động này là minh chứng
sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng
quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam; thể hiện truyền thống tương
thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Đồng thời khẳng định uy tín, tinh thần
trách nhiệm, năng lực của lực lượng Công an và Quân đội nước ta trong hội nhập,
hợp tác quốc tế, thì đáng tiếc, vẫn có những luận điệu sai trái, cố tình
bóp méo nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một số cá nhân cho
rằng, việc Việt Nam hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “làm cho có phong trào”; là “đánh
bóng hình ảnh” Việt Nam… Một số ý kiến còn đặt vấn đề, “vì sao Việt Nam còn
nghèo, mà lại hỗ trợ người dân nước khác, sao không giúp người dân khó khăn
trong nước?”…
Việt Nam cử lực lượng
tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ tài chính để khắc phục hậu quả động đất tại
Thổ Nhĩ Kỳ, Syria là hết sức kịp thời và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc
tế, cũng như truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Trước những
hậu quả nặng nề do trận động đất ngày 6/2 gây ra, Liên hợp quốc kêu gọi cộng
đồng quốc tế hỗ trợ ứng cứu, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và
Syria. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử lực lượng, phương tiện, vật chất
đến các quốc gia trên để ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Đến nay đã
có hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn
cũng như viện trợ, cam kết viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Do vậy, việc làm
của Việt Nam không chỉ là sự hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, mà còn
rất phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế hiện nay; là sự kế thừa truyền thống
nhân văn, nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam tham gia tìm
kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ còn là biểu hiện sinh động cho chính
sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết
quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; đồng thời, khẳng định uy tín,
năng lực của lực lượng Công an và Quân đội nước ta trong hội nhập, quan hệ, hợp
tác quốc tế. Thực tế ngay trong những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ
Kỳ, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam đã được nước bạn cũng như các
đoàn quốc tế tham gia công tác cứu nạn cứu hộ đánh giá rất cao sự nhiệt tình và
tính chuyên nghiệp. Các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của chúng ta đã sử dụng
thuần thục những thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm
cứu nạn; đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong sử dụng các thiết bị banh, cắt thủy
lực, tìm kiếm bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan
đến kích, nâng và tách những khối bê tông để phục vụ cho việc cứu nạn cứu hộ.
Nhờ vậy, đã mang lại hiệu quả tích cực.
Việc tham gia tìm kiếm,
cứu nạn và hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thể
hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, những nghĩa cử
cao đẹp đó đã tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và chính quyền, nhân dân
Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái
của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên một số phần tử cơ
hội, sử dụng những luận điệu xuyên tạc cho rằng, việc Việt Nam hỗ trợ Thổ Nhĩ
Kỳ chỉ là “làm cho có phong trào”; là “đánh bóng hình ảnh” Việt Nam… chỉ là
những luận điệu sai trái, những ý kiến phiến diện, một chiều xuất phát từ động
cơ chính trị thiếu trong sáng. Các cá nhân đưa ra những ý kiến này đã đi ngược
lại những giá trị lợi ích quốc gia, dân tộc; cố tình không nhận thấy ý nghĩa
nhân văn, nhân đạo trong việc Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ
khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; cố tình bóp méo nghĩa cử
cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế
Trả lờiXóa