Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

NVB40 - THÀNH TÍCH ĐẦY TỰ HÀO CỦA NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 

            Có thể khẳng định, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, chúng ta luôn có quyền tự hào về nền giáo dục Việt Nam đang ngày càng phát triển, đổi mới, hiện đại và đang vươn tầm quốc tế. Từ một quốc gia có 95% dân số mù chữ, trải qua 76 năm với nhiều nỗ lực, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, không chỉ nhân dân Việt Nam được thụ hưởng mà những thành tựu đó được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thật đáng buồn khi có những kẻ với con mắt thiển cận, nhìn xấu nhiều hơn tốt, lấy hiện tượng đánh đồng bản chất, chúng đem những sự việc mâu thuẫn, đánh nhau trong học đường giữa thầy - trò, học sinh với học sinh để đánh giá nền giáo dục Việt Nam ngày càng xuống cấp về đạo đức, đổ lỗ cho nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Tiêu biểu: ngày 15/9/2022, trên trang facebook Chân Trời Mới Media, đối tượng Ngọc Lan tán phát bài “Giáo dục cũng phải theo định hướng”; ngày 18/9/2022, trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Ngọc Lan tán phát bài “Giáo dục con người xã hội chủ nghĩa thành công rực rỡ”, nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo; phủ nhận những thành quả đạt được của hệ thống giáo dục các cấp; bôi nhọ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.

Nhưng hãy nhìn mà xem, chỉ trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%.

Kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội. Cụ thể có 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 5 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 trên thế giới; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4 trên thế giới; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5 trên thế giới. Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Đối với giáo dục thường xuyên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của học viên Chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn quốc là 93,32%.

Các trường đại học tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Cụ thể, so với các năm trước, 2022 là năm có bước nhảy vọt khi 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE gồm: Đại học Duy Tân vị trí 401 - 500, Đại học Tôn Đức Thắng 401 - 500, Đại học Quốc gia Hà Nội 1.001 - 1.200, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cùng thứ hạng 1.201+. Kết quả này vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt. Năm trường đại học này cũng nằm trong bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities) và bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023.

Đó chẳng phải là tính ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nền giáo dục dân chủ, nhân văn, khoa học hay sao? Trong các năm 2020 và 2021 đánh dấu bước chuyển đổi linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, các cấp bậc học (trừ mầm non) đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình, đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai trên quy mô cả nước. Báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29/9/2020, đánh giá: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Đây là nhận định xác đáng khi Việt Nam có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó có một số điểm nổi bật như: thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”. Phương hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Không chỉ vậy, giáo dục Việt Nam còn hướng đến sự phát triển đột phá và nâng cao: “Có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”, thực hiện “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”…

Song quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đào tạo khó tránh khỏi những lúc chủ quan, sai lầm, khuyết điểm ở một số lúc số nơi, song với tinh thần thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta sẽ lãnh đạo ngành giáo dục phát triển hơn nữa, nâng tầm giáo dục Việt Nam có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới.

1 nhận xét:

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...