Sinh thời,
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người cha kính
yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân luôn quan tâm đến việc học tập của cán
bộ, đảng viên, của nhân dân, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt
Nam.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ rõ vai trò quan trọng, cần thiết của việc học tập, luôn coi đó là
công việc của cả đời người. Trong Thư gửi “Quân nhân học tập”, tháng 4 - 1949,
Người viết: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng
thấy càng phải học thêm”. Người chỉ rõ vai trò quan trọng của học tập chính trị
trong Quân đội: “… phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như
cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân, nhân
dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là Quân đội nhân dân
thì phải học chính sách của Đảng”.
Bên cạnh đó,
Hồ Chủ tịch cũng luôn nhắc nhở đến tính toàn diện, mối quan hệ giữa học chính
trị với các nội dung khác. Trong bài viết Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng
đăng trên Báo Nhân dân ngày 14 - 3 - 1960, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng ta cần học
nhiều thứ: học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, nghiệp vụ”. Người cũng yêu
cầu: “Bây giờ ta phải học tập lý luận kinh tế tài chính, phải học tập cách tổ
chức kinh tế tài chính cho khéo. Chủ nghĩa Mác căn bản là kinh tế. Không học
kinh tế, không tiến bộ được. Trong chiến tranh, ta dốc vào quân sự thì hòa
bình, ta phải dốc vào kinh tế tài chính”.
Bản thân Hồ Chủ tịch là tấm gương ngời sáng về học tập. Ngày 9 - 12 -
1961, trong Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên ở tỉnh Nghệ An hoạt động
lâu năm, Người nói: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải
đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi
năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia.
Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại
phía sau”.
78 năm qua,
Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt tư tưởng, lời dạy cũng như tấm
gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập. Trong 10 lời thề danh dự của
quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, tại lời thề thứ 4 có quy định rõ: “Ra sức
học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp
vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật
và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn
sàng chiến đấu”.
Nhìn chung,
trong Quân đội, công tác học tập chính trị được duy trì thường xuyên, chặt chẽ,
có chất lượng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn chủ động tích cực tham gia học tập.
Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thường được triển
khai sớm và có hiệu quả tốt trong Quân đội. Thông qua công tác học tập, quán
triệt, Quân đội đã thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Học tập làm cho mỗi
đảng viên nâng cao quyết tâm phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản, biến quyết
tâm đó thành hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu và
trong đời sống hàng ngày”.
Học tập của
cán bộ, chiến sĩ được kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, theo tinh thần của Hồ
Chủ tịch đã chỉ ra là giữa học với hành phải đi đôi với nhau, chỉ có học mà
không có hành thì học chỉ vô ích, còn nếu hành mà không học thì hành sẽ không
trôi chảy.
Chính vì thực hiện nghiêm túc, tích cực việc học tập, học kết hợp với
hành đã giúp cho Quân đội có sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được
giao. Trong thời kỳ chống Pháp, nhiều cán bộ quân đội khi nhập ngũ chưa được học
nhiều, thậm chí có người chưa biết chữ, nhưng rồi nhờ có phong trào học tập
trong quân đội và nỗ lực bản thân mà đã nhiều đồng chí có trình độ học vấn tốt,
đủ năng lực, kiến thức thực thi nhiệm vụ. Hay như trong kháng chiến chống Mỹ,
nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chủ động tích cực học tập, làm chủ khoa học kỹ thuật,
sử dụng hiệu quả vũ khí khí tài, góp phần thiết thực đánh thắng các phương tiện
chiến tranh hiện đại của địch, tiêu biểu như chiến thắng Điện Biên Phủ trên
không tháng 12 - 1972.
Truyền thống
tốt đẹp đó đã và đang được Quân đội phát huy mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo
vệ và xây dựng Tổ quốc hiện nay. Những yêu cầu, đòi hỏi mới của cách mạng, của
Quân đội đòi hỏi việc học tập chính trị của cán bộ, chiến sĩ cần phải được đặc
biệt quan tâm, chú ý nhằm đạt kết quả toàn diện, vững chắc hơn. Muốn vậy, đòi hỏi
chúng ta phải tiến hành đồng thời, kiên quyết, kiên trì nhiều giải pháp tích cực,
đồng bộ.
Cần đổi mới
phương thức, dạy và học để không ngừng nâng cao chất lượng học tập của cán bộ,
chiến sĩ trong các nhà trường, cơ quan, đơn vị. Nâng cao tính tự giác của cán bộ,
đảng viên, nhất là người đứng đầu trong chủ động, nêu gương về học tập, rèn luyện.
Chú ý đến việc học tập của thanh niên, chiến sĩ trẻ theo tinh thần hăng hái,
khoa học, gắn chặt với thực tiễn, học lẫn nhau cùng thi đua học tập để có được
kiến thức về mọi mặt, như lời Hồ Chủ tịch dạy: “Ngoài cách học ở trường, ở lớp,
học trên sách, báo,… có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày.
Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những
đơn vị tiên tiến”.
Tăng cường
công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả học tập, qua đó thực hiện hiệu
quả công tác khen thưởng, xử phạt kịp thời, nghiêm túc. Vừa qua, trong đánh giá
thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị, kết quả học tập thường được coi là
một tiêu chí để đánh giá, bình xét, đem lại tác dụng thiết thực về nhiều mặt.
Quan tâm đúng mức đến hoạt động sơ kết, tổng kết, kịp thời rút ra các bài học
kinh nghiệm bổ ích để ngày càng nâng cao chất lượng học tập trong Quân đội nhân
dân Việt Nam.
chất lượng giáo dục là quan trọng nhất
Trả lờiXóa