(Kỷ niệm 34
năm cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma 14/3/1988 – 14/3/2022)
34 năm đi qua,
sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi
tráng của người dân Việt Nam, về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ
được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu
của các anh là một dấu son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau
phải khắc cốt ghi tâm.
34 năm trước,
vào ngày 14/3/1988, 64 người lính Hải quân bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến
không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa mênh mông biển khơi, một
bên là tàu lớn, súng to, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn. 64 người lính
đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Trong giờ
phút sinh tử, giữa họng súng quân thù, các chiến sĩ Hải quân đã nắm chặt tay
nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Họ dặn nhau “Không được lùi bước.
Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân
chủng Hải quân Anh hùng” (câu nói của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương). Câu
nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của
người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó
là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm
nay không sợ hy sinh, gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo
vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời gian có
dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào, thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ
Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1988 vẫn thức tỉnh trái tim người
Việt về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nhớ lại sự kiện
Gạc Ma không chỉ là thể hiện lòng biết ơn trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến
sĩ Hải quân cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mà tấm gương của
những anh hùng liệt sĩ ấy còn là bài học lịch sử bằng máu không bao giờ được
lãng quên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét